Vì sao sinh đôi nhưng không giống nhau, không trùng sinh nhật?

  •  
  • 391

Thông thường mỗi em bé trong các ca sinh đôi, sinh ba sẽ chào đời cách nhau chỉ vài phút, nhưng có khi cách nhau cả tuần, thậm chí nhiều tuần. Có những bé sinh đôi giống hệt nhau, nhưng cũng có khi rất khác nhau... Vì sao?

Thông thường, con người sẽ chỉ sinh một con trong mỗi lần mang thai, nhưng cũng có những trường hợp sinh đôi, sinh ba, sinh tư, thậm chí nhiều hơn. Những trường hợp này được gọi là đồng sinh.

Sinh đôi cùng trứng và sinh đôi khác trứng

Sinh đôi cùng trứng
Thường những em bé sinh đôi sẽ có vẻ ngoài tựa như được "photocopy" của nhau, giống hệt từ màu da, hình dạng khuôn mặt, kiểu tóc và cả giới tính - (Ảnh: GreenArea)

Một phôi thai được hình thành khi một trứng được một tinh trùng duy nhất thụ tinh, tạo thành hợp tử. Hợp tử sẽ phát triển thành một phôi và hình thành nên một em bé trong tử cung của người mẹ.

Nhưng trong quá trình thụ thai, nếu 2 trứng được thụ tinh với 2 tinh trùng, xuất hiện 2 phôi đồng thời phát triển cùng lúc trong tử cung thì được gọi là mang thai đôi khác trứng.

Trường hợp 1 trứng và 1 tinh trùng thụ tinh nhưng tách thành 2 hợp tử độc lập hoàn toàn được gọi là thai đôi cùng trứng.

Sinh đôi nhưng không cùng cha

Thông thường, mỗi chu kỳ kinh nguyệt người phụ nữ sẽ rụng 1 trứng, nhưng cũng có những trường hợp rụng 2-3 trứng. Nếu 2 trong số những trứng này được thụ tinh bởi tinh trùng của hai người đàn ông khác nhau thì sẽ xảy ra hiện tượng sinh đôi nhưng khác cha.

Khoa học gọi những trường hợp này là "siêu thai", mặc dù tỉ lệ rất hiếm xảy ra. Tính từ năm 2011 đến nay, thế giới ghi nhận chưa đến 10 trường hợp. Tại Việt Nam từng ghi nhận trường hợp tương tự trong một cặp đôi tại Hòa Bình vào năm 2016, khi người bố nhận thấy hai con gái song sinh không giống nhau và đưa đi kiểm tra ADN.

Sinh đôi khác màu da

Trường hợp này cũng được gọi là "siêu thai", với tỉ lệ xảy ra rất thấp và xảy ra trong các gia đình có bố mẹ mang chủng tộc khác nhau, chẳng hạn bố là người gốc châu Phi (tóc xoăn, da màu) và mẹ là người gốc châu Á (da vàng, tóc đen) hoặc châu Âu (da sáng, tóc vàng).

Khi một hoặc hai trứng của mẹ được thụ tinh tạo thành hai phôi thai, mỗi em bé thừa hưởng sự kết hợp gene khác nhau từ bố và mẹ. Vì vậy khi bố mẹ thuộc các chủng tộc khác nhau, có thể các gene di truyền về màu da sẽ khác nhau.

Sinh đôi giống hệt nhau và sinh đôi nhưng khác nhau

Sự khác biệt giữa người này và người khác được xác định với gene. Mỗi người con sinh ra có bộ gene được ghép từ nửa của mẹ và nửa của bố. Đó là lý do vì sao mỗi chúng ta sinh ra đều có nét giống bố và nét giống mẹ mà không bao giờ là "chỉ giống bố" hoặc "chỉ giống mẹ".

Đối với các cặp song sinh giống hệt chỉ xảy ra khi có cùng trứng. Nghĩa là một trứng được thụ tinh và phân chia thành hai phôi và mang gene giống hệt nhau. Trường hợp này gọi là song sinh đơn hợp tử. Những em bé khi sinh ra sẽ có vẻ ngoài tựa như được "photocopy" của nhau, giống hệt từ màu da, hình dạng khuôn mặt, kiểu tóc và cả giới tính. Song sinh đơn hợp tử sẽ chỉ sinh ra hai nam hoặc hai nữ.

Ngược lại, nếu hai trứng được thụ tinh bởi hai tinh trùng của người bố sẽ tạo nên cặp song sinh khác trứng. Cặp song sinh không giống nhau sẽ có mức độ tương đồng về mặt di truyền thấp, chỉ tương đương hai anh em ruột bình thường mà không có chung gene giống như cặp song sinh giống hệt nhau. Các bé sẽ có sự khác biệt nhỏ về sắc tố da, màu mắt, kiểu tóc.

Đây cũng là nguyên nhân vì sao có những cặp song sinh nam hoặc song sinh nữ, cũng có song sinh nam nữ.

Sinh đôi không cùng màu da
Nếu bố mẹ mang hai chủng tộc khác nhau thì có thể sẽ sinh đôi hai bé không giống nhau về màu da - (Ảnh: Machester Evening News)

Song sinh không trùng ngày thụ thai

Khoa học gọi đây là hiện tượng "mang thai trong khi đang mang thai".

Theo các nghiên cứu y học, có 3 hiện tượng xuất hiện ngay thời điểm người phụ nữ bắt đầu mang thai.

  • Thứ nhất: Cơ thể không còn rụng trứng. Ở những trường hợp bình thường, một buồng trứng sẽ giải phóng trứng theo mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Nhưng điều này sẽ không xảy ra khi trứng gặp tinh trùng. Bởi khi đó, người phụ nữ bắt đầu mang thai và cơ thể tiết ra hormone để ngăn quá trình rụng trứng.
  • Thứ hai: Tinh trùng khó "bơi" vào bên trong hơn. Ngay khi một trứng được thụ tinh, chất nhờn nhiều hơn và tích tụ trong ống cổ tử cung, tạo thành một "nút" chặn sự di chuyển của tinh trùng vào bên trong.
  • Thứ ba: Tử cung chỉ đủ chỗ cho một phôi thai. Khi phôi được hình thành trong tử cung, một cơ chế sinh học kỳ diệu của cơ thể phụ nữ xuất hiện và ngay lập tức tử cung "không cho phép" một phôi khác làm tổ trong đó.

Nếu tất cả những yếu tố này xảy ra không đồng thời, hoặc không xảy ra thì hai thai kỳ sẽ xảy ra cùng một lúc, nhưng kết quả là các thai nhi sẽ ở các giai đoạn phát triển thai khác nhau.

Song sinh không trùng sinh nhật

Thông thường, mỗi em bé trong các ca sinh đôi, sinh ba sẽ chào đời cách nhau chỉ vài phút. Nhưng y khoa thế giới ghi nhận nhiều ca sinh đôi cách nhau cả tuần, thậm chí nhiều tuần. Những trường hợp này được coi là đặc biệt hiếm trong sinh sản ở người.

Một ca sinh đôi khác ngày sẽ diễn ra khi thai phụ sinh non. Sau đó các bác sĩ có thể can thiệp y học để tạm dừng quá trình chuyển dạ và giữ (những) thai còn lại trong tử cung của mẹ để phát triển và chờ đủ ngày.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân thú vị khiến song sinh khác ngày, thậm chí khác năm, đó là khi người mẹ chuyển dạ và sinh con vào thời điểm nửa đêm, một em bé sinh ra vào đêm hôm trước và em bé thứ hai sinh ra vào những phút đầu tiên của ngày mới, hoặc năm mới.

Cập nhật: 09/06/2022 Tuổi Trẻ
  • 391