Không cần phải uống một tách cà phê lớn hoặc một lon nước tăng lực, các tài xế xe đường trường vẫn có thể giữ được sự tỉnh táo nhờ để đèn màu xanh dương trong xe.
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Bordeaux Segalen (Pháp) và các đồng nghiệp Thụy Điển đã chứng minh rằng, việc tiếp xúc liên tục với ánh sáng màu xanh dương cũng có tác dụng như uống cà phê trong việc tăng độ tỉnh táo của người lái xe hơi ban đêm.
Phát hiện trên có thể mở đường cho sự ra đời của một hệ thống chống ngủ điện tử trang bị cho các phương tiện giao thông nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn chết người trên đường.
Thống kê cho thấy, tình trạng buồn ngủ là nguyên nhân dẫn tới 1/3 số trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông trên xa lộ vì nó làm giảm độ tỉnh táo, sự linh hoạt và tri giác của người cầm lái.
Theo nghiên cứu, việc tiếp xúc liên tục với ánh sáng màu xanh dương cũng có tác dụng
như uống cà phê trong việc tăng độ tỉnh táo của người lái xe hơi ban đêm. (Ảnh: Daily Mail)
Theo trang Daily Mail, uống cà phê lâu nay vẫn được coi là giải pháp tốt nhất chống tình trạng buồn ngủ. Các nhà nghiên cứu đã thử tìm cách phát triển một thiết bị chống buồn ngủ có tác dụng tương tự để trang bị cho xe hơi.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy, ánh sáng xanh có khả năng làm tăng sự tỉnh táo bằng cách kích thích các tế bào hạch võng mạc - các tế bào thần kinh chuyên biệt trên võng mạc, một lớp màng mỏng nằm ở phía sau của mắt. Những tế bào này được liên kết với các khu vực kiểm soát sự tỉnh táo của bộ não. Việc kích thích các tế bào hạch võng mạc bằng ánh sáng xanh dương giúp ngăn chặn sự sản sinh melatonin, hoóc môn làm giảm độ tỉnh táo vào ban đêm.
Hiệu ứng tích cực của ánh sáng xanh dương đối với sự tỉnh táo của người vào ban đêm đã được biết đến từ năm 2005, đáng kể nhất là qua nghiên cứu của người Mỹ. Tuy nhiên, những nghiên cứu trước đây chỉ biểu diễn hiệu ứng này qua các thử nghiệm nhận thức đơn giản, chẳng hạn như ấn nút đáp lại một kích thích bằng ánh sáng.
Khám phá mới nhất của các nhà nghiên cứu Pháp và Thụy Điển được rút ra từ các thí nghiệm được tiến hành trong điều kiện lái xe thực tế. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí khoa học PLoS One và trang web Medical Express.