Siêu máy tính Thiên Hà 2 (Tianhe 2) của Trung Quốc bắt đầu đi vào thử nghiệm và phục vụ nhu cầu sử dụng của cộng đồng, trong khi hệ thống tiếp tục được tinh chỉnh và gỡ lỗi.
>>> Tianhe-2 vẫn là siêu máy tính nhanh nhất thế giới
Popsci cho hay, siêu máy tính Thiên Hà 2 được đặt trong một căn phòng lớn ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông và bắt đầu phục vụ nhu cầu của cộng đồng từ tháng 4. Thiên Hà 2 có tốc độ 33,86 petaflop, hay 33,86 triệu tỷ phép tính mỗi giây, tốc độ xử lý đỉnh cao về mặt lý thuyết là 54,9 petaflop. Nó gồm 16.000 giao điểm, hơn ba triệu lõi máy tính, sử dụng 80.000 bảng vi xử lý Intel Xeon, hệ thống vi xử lý FT-1500 của Trung Quốc và có hệ điều hành là Kylin Linux.
Một góc của siêu máy tính Tianhe-2 trong căn phòng lớn ở Quảng Châu. (Ảnh: Rex Features)
Theo các chuyên gia, siêu máy tính phục vụ nhu cầu sử dụng trong nghiên cứu khoa học, bao gồm vật lý quy mô phân tử, dự báo thời tiết và xử lý tín hiệu thiên văn học. Công nghệ đằng sau siêu máy tính cũng được ứng dụng vào các mục đích quân sự như mô phỏng kiểm tra vũ khí hạt nhân và giải mã.
Thiên Hà 2 hiện vẫn giữ kỷ lục là máy tính mạnh nhất thế giới, kể từ thời điểm được công nhận vào tháng 11 năm ngoái. Siêu máy tính của Trung tâm thí nghiệm quốc gia Oak Ridge thuộc Bộ Năng lượng Mỹ đứng thứ hai với tốc độ chỉ bằng một nửa là 17,59 petaflop.
Siêu máy tính được đưa vào vận hành từ tháng 12 năm ngoái, trước kế hoạch đặt ra vào năm 2015 và có chi phí 390 triệu USD. Hệ thống được thiết kế và phát triển bởi nhóm chuyên gia thuộc Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia (NUDT) và Công ty công nghệ thông tin Inspur.
Thiên Hà 2 là kết quả nghiên cứu nằm trong một chương trình khoa học và công nghệ của Trung Quốc mang tên 863, bắt đầu từ những năm 1980. Chương trình được thực hiện nhằm thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin và hàng không. Ngoài Thiên Hà 2, các chuyên gia đã phát triển 205 siêu máy tính tốc độ cao khác cùng nhiều hệ thống laser chống vệ tinh.