Nhờ tiến bộ của khoa học hiện đại, người ta đã dần dần giải được những bí mật lớn xung quanh ta mà trước đây được liệt vào danh sách những điều “chưa giải đáp được”.
Bí mật 1: Kỹ thuật âm thanh trong rạp hát Epidaurus
Rạp hát thời cổ đại Epidaurus. Ảnh: listverse
Rạp hát thời cổ đại Epidaurus nằm gần Athens, Hy Lạp được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ tư trước công nguyên là một trong những rạp hát được gìn giữ tốt nhất cho đến nay. Từ thời cổ, người ta đã coi nó là một kỳ quan về âm thanh vĩ đại. Toàn bộ khán giả lên tới 15.000 đều có thể nghe rõ từng lời các diễn viên mà không hề cần phải khuếch đại.
Để chứng minh kỹ thuật âm thanh kỳ diệu của rạp hát, các hướng dẫn viên du lịch thường chia nhóm du khách mỗi người ngồi ở một chỗ tùy chọn và anh ta đứng trên sân khấu nhỏ nhẻ thuyết minh để mọi người tự cảm thấy sự truyền âm trong công trình này tuyệt vời đến mức độ nào.
Trong suốt bao nhiêu thế kỷ, các nhà khoa học đã tranh luận để tìm cách lý giải nhưng chưa giải thích nào đủ sức thuyết phục. Một trong những giả thuyết cho rằng những làn gió nhẹ đang thổi quanh rạp hát đã mang âm thanh đến từng chỗ ngồi một. Năm 2007 các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Georgia đã phát hiện ra rằng chính các vật liệu bằng đá vôi tại các chỗ ngồi đã tạo ra hiệu ứng lọc, nén các âm có tần số thấp, nhờ vậy đã giảm các tạp âm của đám đông đến mức tối thiểu, vì thế các chỗ ngồi tác dụng như những chiếc bẫy âm thiên nhiên.
Tuy nhiên người ta vẫn chưa biết liệu các kỹ thuật âm thanh tuyệt vời như thế là kết quả của một sự ngẫu nhiên hay là sản phẩm của một phương pháp kiến trúc tiến bộ.
Sự kiện đáng chú ý: Sân khấu cho dàn nhạc giao hưởng (hoặc ca múa) có dạng hình tròn cực kỳ hoàn hảo, với đường kính là 19m50. Một nền cũng hình tròn cũng còn nguyên vẹn ở chính tâm có lẽ là bệ thờ Thần Rượu nho của Hy Lạp).
Bí mật 2: Những chiếc đầu lâu bằng pha lê
Một chiếc đầu lâu pha lê. Ảnh: listverse
Hầu như mọi người đều biết đến những chiếc sọ người bằng pha lê trong bộ phim của Indiana Jones và Vương quốc Đầu lâu bằng pha lê. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều nhà sưu tầm nghiêm túc những chiếc đầu lâu pha lê rất quý, hiếm và đắt giá vì họ tin rằng đó là những sản phẩm cổ xưa thuộc nền văn minh Aztec hoặc Maya, trước thời Colombus tìm ra châu Mỹ. Vào năm 2008, một nhóm gồm các nhà nghiên cứu Mỹ và Anh đã dùng phương pháp tinh thể học tia X và kính hiển vi điện tử để khảo sát những chiếc sọ pha lê hiện trưng bày tại Viện Bảo tàng Anh và Viện Smithsonian.
Việc phân tích chi tiết bề mặt của các chiếc đầu lâu đã cho thấy có những vết xước được mài bằng cách quay cực kỳ nhỏ bé xung quanh túi mắt, răng và phần sọ. Đó là chứng minh hết sức rõ ràng rằng các chiếc đầu lâu ấy được cắt và mài nhẵn bằng dụng cụ có bánh xe quay, trong khi người Aztec trong lịch sử chưa bao giờ biết dùng đến bánh xe.
Các nhà nghiên cứu đã kết luận là những chiếc đầu lâu cực đắt ấy được cắt ra từ một tảng pha lê thiên nhiên Brazil và chế tác tại châu Âu. Sau đó chúng được bán cho các nhà sưu tầm như một cổ vật của nền văn minh Aztec cổ. Sau phát hiện này, nhiều viện bảo tàng đã loại bỏ những chiếc đầu lâu pha lê ra khỏi những vật trưng bày của họ vì nghi vấn đã được làm sáng tỏ.
Sự kiện đáng chú ý: Trong số các chiếc đầu lâu nổi tiếng nhất là chiếc tại bảo tàng của nhà sưu tầm cổ vật Mitchell-Hedges. Chiếc đầu lâu này được cô con gái nuôi của Mitchell-Hedges, vốn là một nhà thám hiểm phát hiện năm 1924. Hedges tuyên bố rằng chiếc đầu lâu bằng pha lê đã có ít nhất từ 3.600 năm về trước. Người ta đều tin vào điều đó và chưa bao giờ khảo sát chi tiết vì chủ nhân của chiếc đầu lâu không cho phép thử.
(Còn tiếp)