Động vật buồn nhất hành tinh sắp tuyệt chủng

  •   54
  • 11.469

Loài cá có khuôn mặt đáng thương nhất thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, các nhà hải dương học thông báo.

Các nhà hải dương học lo ngại rằng, cá blobfish, có thể dài tới hơn 30 cm, đang gặp nguy hiểm do tình trạng đánh bắt quá độ ở khu vực vùng biển phía đông nam Australia.

Cơ thể của blobfish lúc nào cũng phồng rộp lên, nó có một cái đầu và một cái mũi rất to, cái miệng trĩu nặng xuống, chính vì vậy mà nhiều người đã gọi cá blobfish bằng một cái tên khác là “cá buồn rầu”.

Loài cá này sống dưới độ sâu 800 m, ít được nhìn thấy nhưng chúng sống cùng tầng với các sinh vật đại dương khác như cua, tôm hùm và các loài cá biển ăn được khác. Kết quả là, mặc dù không ăn được nhưng cá blobfish vẫn bị sa lưới cùng các loài sinh vật khác.

Loài cá có khuôn mặt buồn rầu đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Chuyên gia hàng hải, giáo sư Callum Roberts, đến từ ĐH York, cho biết: “Blobfish rất dễ bị tổn thương khi mắc lưới và theo những gì chúng tôi biết, loài cá này chỉ sống trong một khu vực giới hạn. Những đội tàu đánh bắt ở Australia và New Zealand hoạt động rất tích cực trong khi blobfish là loài cá chậm chạp, vì vậy chúng rất dễ bị bắt”.

Tác giả cuốn “Lịch sử không tự nhiên của biển cả” nói thêm: “Có một số khu vực nước sâu quanh đại dương ở phía Nam được bảo vệ nhưng mới chỉ dừng ở bảo vệ cho san hô chứ không phải cá blobfish”.

Những khu vực biển phía Nam Australia chỉ có hàng rào bảo vệ những rặng san hô, chứ không bảo vệ loài cá blobfish. Trước đây, các ngư dân thường đánh bắt những sinh vật sống ở độ sâu 200 m và độ sâu này ngày càng tăng thêm, hiện đã lên đến vài nghìn mét.

Theo Báo Đất Việt (Telegraph)
  • 54
  • 11.469