Ý nghĩa cảm xúc của nét mặt cũng mang đặc trưng văn hóa

  •  
  • 5.404

Người Đông Á thường gặp nhiều khó khăn hơn người châu Âu trong việc phân biệt một khuôn mặt sợ hãi với một khuôn mặt ngạc nhiên, hay khuôn mặt chán ghét với khuôn mặt tức giận. Giờ đây, một báo cáo trên tờ Current Biology trực tuyến hôm 13 tháng 8 vừa qua đã giải thích được lí do: thay vì quan sát đều khắp khuôn mặt như người châu Âu, người Đông Á thường chỉ tập trung sự chú ý vào đôi mắt.

“Chúng tôi đã chỉ ra rằng người phương Đông và người phương Tây sẽ nhìn vào những vị trí khác nhau để đọc ra cảm xúc thực sự đằng sau một khuôn mặt,” Rachael E. Jack, giảng viên trường đại học Glasgow cho biết. “Người phương Tây thường chia đôi sự chú ý vào mắt và miệng, trong khi người phương Đông thường chỉ chú ý tới phần mắt và bỏ qua miệng. Điều này đồng nghĩa với người phương Đông gặp khó khăn hơn trong việc phân biệt các nét mặt có hình dáng vùng mắt tương tự nhau.”

Phát hiện của nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Roberto Caldara đến từ đại học Glasgow cho thấy việc biểu đạt cảm xúc của con người phức tạp hơn các chuyên gia từng nghĩ. Kết quả là, các nét mặt từng được cho là có ý nghĩa thống nhất trên toàn thế giới hóa ra lại không được diễn giải giống nhau trong mọi tình huống văn hóa.

Nghiên cứu làm sáng tỏ các nền văn hóa khác nhau diễn các nét mặt theo những cách khác nhau. (Ảnh: iStockphoto/Joan Vicent Cantó Roig)

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát những khác biệt văn hóa trong việc đọc ra ý nghĩa nét mặt bằng cách ghi lại cử động mắt của 13 người châu Âu và 13 người Đông Á khi họ quan sát hình ảnh các khuôn mặt và phân chúng thành nhóm: vui, buồn, ngạc nhiên, sợ hãi, chán ghét, tức giận, và trung hòa. Các khuôn mặt được chuẩn hóa theo hệ thống Mã hóa Hoạt động Khuôn mặt (FACS), trong đó như mỗi nét mặt là một sự kết hợp của các cơ với một trạng thái cảm xúc.
Kết quả là, người Đông Á tập trung sự chú ý vào đôi mắt và phạm phải nhiều sai lầm hơn người châu Âu. Đặc trưng văn hóa trong chuyển động mắt có thể là sự phản ánh của đặc trưng văn hóa về nét mặt, Jack nói. Dữ liệu cho thấy trong khi người châu Âu sử dụng toàn bộ khuôn mặt để tìm ra cảm xúc biểu đạt, thì người Đông Á chỉ chú ý nhiều đến mắt mà ít để ý đến miệng chủ thể.

Khảo sát về các kí hiệu mặt cười của phương Đông và phương Tây cũng cho kết quả tương tự.

“Kí hiệu mặt cười thường được sử dụng để biểu đạt cảm xúc khác nhau trong thế giới ảo bởi chúng chính là những khuôn mặt biểu tượng,” Jack nói. “Điều thú vị là, có những khác biệt văn hóa rõ rệt trong các biểu tượng này.” Kí hiệu mặt cười của phương Tây chủ yếu sử dụng miệng để biểu thị trạng thái cảm xúc, ví dụ như : ) để diễn tả niềm vui và : ( để diễn tả nỗi buồn, trong khi kí hiệu mặt cười của phương Đông chủ yếu dùng mắt, ví dụ ^.^ có nghĩa là vui, và ;_; là buồn.

“Tóm lại,” nhóm nghiên cứu kết luận, “các dữ liệu nghiên cứu cho thấy sự khác nhau trong việc đọc ra ý nghĩa khuôn mặt giữa người phương Tây và người phương Đông, và chỉ ra rằng hệ thống FACS tập hợp ý nghĩa các nét mặt mã hóa không phải là một hệ thống chuẩn toàn cầu về cảm xúc của con người. Trong môi trường giao tiếp đa văn hóa, người phương Đông và người phương Tây cần chú ý để không biểu đạt sai cảm xúc bản thân và hiểu sai nội dung cảm xúc trên khuôn mặt người đối diện.”

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 5.404