Một nguồn nước 2 tỷ năm tuổi đã được các nhà khoa học Anh và Canada tìm ra tại một trong những mỏ của vùng hồ Ontario. Phát hiện được công bố trên tạp chí Nature.
Trong khi làm việc tại một địa điểm gần Timmins thuộc vùng hồ Ontario, các nhà nghiên cứu đã lấy được một mẫu nước phun ra từ một giếng khoan sâu 2,4km. Các kết quả của phòng thí nghiệm khác nhau cho phép kết luận rằng mẫu nước này không tiếp xúc với không khí ít nhất là một tỷ năm.
Khu mỏ gần Timmins của Canada.
Trước đó, chưa bao giờ người ta tìm được nước cổ đại ngay cả trong nhiều giếng sâu hơn. Bởi lớp vỏ Trái đất ở bất cứ nơi nào cũng luôn luôn biến động, có cả một mạng lưới các vết nứt, hình thành trong các quá trình địa chất nên các khối nước luôn luôn bị thay đổi vị trí dù ở rất sâu. Nhưng Timmins bị chặn lại bởi những vách đá rất kiên cố nên tầng nước ngầm đã bị cô lập với thế giới bên ngoài trong một thời gian dài.
Phương pháp xác định tuổi của nước, dựa trên sự so sánh nồng độ của các đồng vị của khí hiếm. Các nhà nghiên cứu thấy rằng những mẫu chất lỏng chứa rất nhiều xenon-124, xenon-126 và xenon-128, từ chu kỳ bán huỷ của chúng người ta có thể tính được tuổi của những vật thể hàng tỉ năm. Tỷ lệ giữa nồng độ argon và xenon, neon và argon, krypton và argon, cũng cho phép xác nhận các lớp đá xung quanh có khoảng 2,7 tỷ năm tuổi.
Điều đặc biệt đáng quan tâm là sự có mặt của các chất hữu cơ trong nước sẽ chứng minh rằng ở kỷ nguyên này trên Trái đất đã tồn tại sự sống.
Nếu như phát hiện các vi khuẩn trong nguồn nước bị cách ly hàng tỷ năm với thế giới bên ngoài thì không những có thể cung cấp những dấu tích lịch sử của bản thân Trái đất mà còn suy ra sự tồn tại của một hệ sinh thái chưa từng biết đến trên các thiên thể khác trong Hệ Mặt trời.
Theo các tài liệu mà khoa học đã thu thập được cho đến nay vẫn chưa chứng minh thuyết phục được là sự sống có thể tồn tại trong một số các hành tinh, song các nhà khoa học vẫn chưa mất hy vọng trong việc tìm ra các vi khuẩn trên những hành tinh như sao Hỏa.