Di chuyển 3 xác ướp Ai Cập để kiểm tra ADN

  •  
  • 2.923

Chính quyền Ai Cập gần đây thông báo 3 xác ướp đã được chuyển từ Thung lũng các vì vua ở Luxor sang Bảo tàng Ai Cập ở Cairo để nghiên cứu mở rộng về nguồn gốc của chúng.

Hai xác ướp nữ được phát hiện trong một ngôi mộ ký hiệu KV21 và một xác ướp nam được phát hiện bên ngoài ngôi mộ của pharaoh Seti II, vị vua cai trị Ai Cập từ năm 1200 đến năm 1194 trước Công nguyên, sẽ phải trải qua chụp quét CAT và phân tích ADN.

Những xét nghiệm như trên có thể cho các nhà nghiên cứu biết tổ tiên của những xác ướp bí ẩn này và hé lộ nhân dạng của họ, mặc dù sẽ phải mất nhiều năm trước khi các nhà khoa học có thể tuyên bố điều gì chắc chắn.

Dù vậy, các xác ướp nữ hứa hẹn họ có khả năng nằm trong số những hoàng hậu Ai Cập mà các nhà khảo cổ học đang tìm kiếm.

Cả hai xác ướp này được phát hiện trong tư thế hoàng gia dành cho nữ giới: tay trái gập vào ở chỗ khuỷu tay, bàn tay nắm chặt đặt chéo ngực còn tay phải duỗi dọc theo cơ thể.

Theo Zahi Hawass, tổng thư ký Hội đồng khảo cổ tối cao Ai Cập, “Chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu hai xác ướp nữ ở mộ KV21, vì chúng tôi đang tìm kiếm phả hệ của Tutankhamun thông qua Dự án xác ướp Ai Cập.”

Dự án này là một kế hoạch 5 năm do Hawass khởi xướng nhằm kiểm tra và phân loại ADN của từng xác ướp trên cả nước. “Có thể một trong số họ là Nefertiti hoặc Tiye hoặc Kiya, chúng tôi chưa biết được.”

Dấu vết ADN

Một nhóm chuyên gia Ai Cập sẽ kiểm tra gien của các xác ướp trong một phòng thí nghiệm mà Hawass tuyên bố là phòng thí nghiệm ADN duy nhất trên thế giới chuyên dành cho việc nghiên cứu xác ướp.

Theo Angelique Corthals, giảng viên sinh hóa học và khoa học pháp y tại ĐH Manchester, Anh quốc, người đào tạo nhóm chuyên gia Ai Cập, cách tốt nhất để nghiên cứu các gien cổ là kiểm tra ADN ti lạp thể.

Loại ADN này được truyền từ mẹ sang con và chứa hàng nghìn bản sao của thông tin di truyền trong mỗi tế bào. So sánh ADN ti lạp thể từ một xác ướp chưa xác định với mã di truyền từ một xác ướp nữ đã nhận diện có thể thiết lập mối quan hệ gia đình.

Nhưng kỹ thuật hạn chế các nhà nghiên cứu theo dõi dòng dõi của một xác ướp thông qua dòng máu bên họ mẹ mà điều này không thực hiện được trong nhiều trường hợp. Vì vậy thay vào đó, nhóm chuyên gia Ai Cập kiểm tra ADN nhân của xác ướp nam - chỉ cho ra một bản sao mã di truyền của mỗi tế bào nhưng có thể dò được từ cả bố hoặc mẹ.

Quá trình kiểm tra kỹ lưỡng này còn gặp khó khăn do sự ô nhiễm ADN của xác ướp qua thời gian và từ hóa chất sử dụng trong quá trình ướp xác.

Corthals cho biết “Những mẫu ADN không chỉ bị hủy hoại vì chúng thật sự lâu đời mà còn vì quá trình ướp xác. Thật mỉa mai khi những gì bảo quản vẻ ngoài của xác ướp lại phá hủy ADN.”

Vài hoàng hậu thuộc triều đại thứ 18, kéo dài từ 1550 đến 1069 trước Công nguyên, và trước triều đại của Tutankhamun, vẫn chưa được nhận dạng. Trong số này có Kiya, có thể là mẹ của Tutankhamun và vì thế sẽ chia sẻ ADN ti lạp thể với ngài. Hoàng hậu Nefertiti, người vợ đầu của cha Tutankhamun và Tiye, bà nội của Tutankhamun, vẫn chưa được phát hiện.

Vị vua đặt nhầm chỗ

Chính quyền Ai Cập gần đây thông báo 3 xác ướp đã được chuyển từ Thung lũng các vì vua ở Luxor sang Bảo tàng Ai Cập ở Cairo để được nghiên cứu mở rộng về nguồn gốc của chúng. Một số chuyên gia có linh cảm rằng một xác ướp nam (trong ảnh chụp năm 2005) nằm trong số 3 xác này là pharaoh Thutmose I, cai trị Ai Cập từ năm 1504 đến 1492, và là cha của Hoàng hậu Hatshepsut. (Ảnh: Mohamed Megahed)

Các nhà khoa học sẽ nghiên cứu xác ướp nam dựa trên linh cảm rằng nó thuộc về Thutmose I, người cai trị từ 1504 đến 1492 sau Công nguyên, và là cha của Hoàng hậu Hatshepsut.

Một xác ướp được trưng bày tại Bảo tàng Ai Cập được mang tên Thutmose I, nhưng những xét nghiệm gần đây tiết lộ xác ướp này bị nhận dạng nhầm. “Chúng tôi phát hiện ra rằng xác ướp ở bảo tàng chết ở tuổi 30 còn Thutmose I chết ở tuổi 50. Ông ta không phải là xác ướp hoàng gia.”

Năm 2007, Corthals và các nhà khoa học Ai Cập tiến hành các xét nghiệm trên xác ướp nữ được tin là của Hatshepsut. Các nhà khoa học sẽ so sánh ADN với xác ướp mới phát hiện gần đây nhưng họ nhấn mạnh rằng tạo lập mối liên kết sẽ khó khăn vì phả hệ của Thutmose I không rõ ràng.

Người ta không biết cha của ông và mẹ ông được gọi là Seniseneb, một cái tên phổ biến thời của bà.

Hình khắc chỉ ra rằng Thutmose I cưới người chị/em của mình là Ahmose, có lẽ được đặt tên theo pharaoh đầu tiên thuộc triều đại thứ 18. Nhưng bố mẹ chính xác của bà vẫn còn bị nghi ngờ.

“Không phải lúc nào những người trong cây phả hệ cũng rõ ràng. Bạn có thể kiểm tra một người bạn cho là người mẹ, nhưng sau cùng bà ấy cũng không phải.”

Corthals cho biết thêm, nhìn chung, kết quả từ kiểm tra ADN cổ không phải lúc nào cũng chắc chắn.

“Trong những trường hợp thành công nhất, bạn chỉ có thể chắc chắn ở mức tối đa, nếu bạn gặp may mắn, là 90 % với ADN ti lạp thể, nhưng vấn đề ở chỗ đấy. Cho đến ngày nay chưa có công trình nào được xuất bản mà thành công trong việc trích xuất và so sánh ADN nhân cổ đại từ các xác ướp với mục tiêu nghiên cứu dòng họ trong họ tộc.”

Tuệ Minh (Theo National Geographic)
  • 2.923