Chiều muộn ngày hôm qua, 15/1, tại cuộc tọa đàm về chủ đề “Mộ Tào Tháo” tại Đại học Bắc Kinh, giáo sư Khảo cổ học Wang Xun cho biết: các kết luận khảo cổ có thể thay đổi nếu xuất hiện những yếu tố sai lệch, những kỳ vọng về mộ Tào Tháo không nên đặt quá cao, vì những tư liệu văn tự được khai quật quả thực là quá ít.
|
Tấm bia đá tìm thấy trong khu mộ (ảnh trái); Dân địa phương đang xôn xao vì sự kiện; Các hiện vật được đưa vào xem xét trong hội thảo; Hiện trường khu mộ (các ảnh phải) |
Sau khi có thông tin “xác nhận mộ Thào Tháo” từ Cục Văn vật tỉnh Hà Nam, ông Wang Xun luôn là người được mời bình luận cho các chứng cứ và tin tức liên quan tới sự kiện này ở Đại học Bắc Kinh. Wang Xun và các chuyên gia khảo cổ khác đã xuất hiện trên truyền hình để luận bàn về tính “chân ngụy” (thật giả) của mộ Tào Tháo.
Trong tọa đàm, giáo sư Wang Xun công nhận những căn cứ để kết luận “Khu mộ ở An Dương là mộ của Tào Tháo”, ông cũng hài hước nhắc tới vấn đề “tranh giành Tào Tháo” ở tỉnh Hà Bắc. Ông nói, nhiều người cho rằng khảo cổ học là lĩnh vực không mấy ai quan tâm, tôi thấy không đúng. Bằng cớ là sự kiện tìm ra mộ Tào Tháo là một ví dụ, ai cũng muốn tham gia luận bàn, những lời của các nhà khảo cổ học nói cũng được đem ra mổ xẻ. Quan tâm là tốt, nhưng không khỏi khiến cho giới khảo cổ đôi khi phải nản lòng. Vì sao không mấy người nghi ngờ mộ Tần Thủy Hoàng nhỉ? Thật kỳ lạ.
Đối với vấn đề xác định thân nhân người phụ nữ có xương cốt được tìm thấy bên cạnh Tào Tháo, Wang Xun cho rằng, xét từ góc độ học thuật, đây không phải là vấn đề quan trọng. Nghiên cứu học thuật không quan tâm xương nào là của vợ cả, xương nào là của vợ thứ. Có điều, kiểm định xương cốt là có chỗ dựa nhất định, không thể phán đoán xương cốt của người 30 tuổi thành người hơn 60 tuổi được. Ông giải thích: thông thường thì mộ càng to càng không tốt cho việc bảo tồn di cốt. Ví dụ khu mộ quý tộc lớn nên không khí vào nhiều, di cốt được bảo quản sẽ khác với xương cốt của thường dân, dễ bị mục hơn. Ngoài ra, di cốt của người già qua đời sẽ không được bảo quản tốt trong cùng điều kiện so với di cốt của người trẻ.
Vậy hiện tại, việc “xác nhận mộ Tào Tháo” có giá trị như thế nào? Nếu kết luận có gì sai sót, khảo cổ học có cơ chế sửa sai hay không? GS Wang Xun đáp: kết luận khảo cổ sai cũng có thể thay đổi. Ngoài ra, ông nhấn mạnh: kỳ vọng về mộ Tào Tháo không nên đặt quá cao, vì những văn tự tư liệu thu được là quá ít. Mộ Tào Tháo ở An Dương tuy thu hút được sự quan tâm rất lớn của công chúng, nhưng dưới góc độ học thuật, ý nghĩa bổ sung vào chính sử không lớn như những phát hiện mộ lớn khác.
Dù thế nào chăng nữa, sự kiện này đã lọt Top 6 phát hiện khảo cổ lớn nhất năm 2009, do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc vừa công bố hôm 14/1 vừa qua.
Sau khi mộ Tào Tháo được xác nhận, ngay lập tức, TQ đã dậy lên làn sóng nhận làm hậu duệ của Tào Tháo. Một người cao tuổi từ Thượng Hải đã vội vã đến khu mộ Tào Tháo, tự xưng là hậu duệ của Tào Tháo, đến để nhận “mộ tổ”. Người dân địa phương cũng cho biết, có rất nhiều người từ Hà Bắc tới để "nhận thân", đều tự nhận mình là cháu chắt của Tào Tháo. Sử liệu ghi chép lại, vị anh hùng thời kỳ Tam Quốc này có ít nhất 15 người vợ đẹp như hoa. Thê thiếp đông như vậy, thật khó mà thống kê hậu duệ của Tào Tháo. |