Các nhà khảo cổ Trung Quốc vừa khai quật một lăng mộ đời Nam Hán tại Quảng Châu. Ngoài kiến trúc và những cổ vật tuyệt đẹp còn phát hiện một tờ địa khoán ghi rõ nội dung mua mộ với giá 99999 quan 999 xu 9 cắc. Phải chăng người cổ đại cũng thịnh hành trào lưu mua mộ để phô trương thanh thế?
Được biết đợt khảo cổ này đã khai quật được 200 ngôi mộ thuộc các triều đại Tây Hán Nam Việt Quốc, Đông Tấn, Nam triều, Ngũ đại Nam Hán, Tống triều và Minh triều. Các ngôi mộ có chiều dài 10m, phân thành các lối thông đạo và các gian tiền hậu. Mọi cấu trúc trong mộ đều khá nguyên vẹn và được chạm trổ cầu kỳ.
Quần thể mộ tại Quảng Châu với nhiều cổ vật độc đáo vừa được khai quật.
Riêng ngôi mộ M170 thuộc đời Nam Hán còn khai quật được văn tự cổ có nội dung mua bán mộ phần với mức giá rất cụ thể. Địa khoán là một văn tự cổ được dùng cho người chết, xem như một giấy chứng nhận linh hồn đã sở hữu một phần đất ở cõi âm.
Con số 99.999 quan 999 xu 9 cắc thực chất chỉ là số tượng trưng để minh chứng phần mộ này đã có chủ. Người chủ được xác định là xuất thân trong một gia đình trung lưu thời phong kiến, mai táng năm 960, tức năm thứ ba đời Nam Hán.
Triều Nam Hán chỉ kéo dài trong 64 năm, do vậy, tờ địa khoán này được đánh giá là một phát hiện mới hứa hẹn đem lại nhiều thông tin ý nghĩa cho giới khảo cổ về phong tục của người xưa.
“Kiến trúc và những cổ vật còn lại đã cho thấy chủ mộ chắc chắn có địa vị cao trong xã hội phong kiến và sở hữu nhiều tiền của”, chuyên gia khảo cổ Mã Kiến Quốc cho biết.