Các nhà khoa học Anh cho biết, họ đã dùng máy vi tính để lần đầu tiên tái tạo những bước đi của loài khủng long cổ xưa bằng cách quét bộ xương hóa thạch dài gần 40 mét.
Các chuyên gia của Đại học Manchester đã tạo nên một phiên bản kỹ thuật số của loài khủng long Argentinosaurus sống ở kỷ Phấn trắng, rồi từ đó cho nó thực hiện những bước đi đầu tiên trong hơn 94 triệu năm qua, UPI dẫn thông báo của trường đại học ngày 30/10.
Cùng làm việc với các nhà khoa học của Argentina, nhóm chuyên gia từ Đại học Manchester đã sử dụng máy scan laser để quét bộ xương hóa thạch khủng long đang được trưng bày tại một bảo tàng ở đất nước Nam Mỹ.
Bộ xương hóa thạch loài khủng long lớn nhất thế giới Argentinosaurus trưng bày tại một bảo tàng ở Argentina - (Ảnh: Đại học Manchester)
Sau đó, sử dụng mô hình kỹ thuật máy tính tiên tiến, các nhà khoa học đã tái tạo được chuyển động đi và chạy của loài khủng long Argentinosaurus và lần đầu tiên kiểm tra khả năng vận động của nó.
"Nếu bạn muốn biết khủng long bước đi như thế nào, cách tốt nhất là mô phỏng trên máy tính", nhà nghiên cứu Bill Sellers của Đại học Cambridge (Anh) nói và cho biết thêm, "Đây là cách duy nhất để có thể kết hợp tất cả các thành phần khác nhau mà chúng ta có về con khủng long này".
Argentinosaurus là loài động vật lớn nhất từng bước chân trên bề mặt trái đất, và hiểu được nó di chuyển như thế nào có thể giúp cho chúng ta biết được nhiều về hiệu suất tối đa của hệ thống cơ bắp và xương sống của loài khủng long, ông Bill Sellers cho hay.
Được biết, loài Argentinosaurus nặng đến 80 tấn và một số nhà khoa học tỏ ra thắc mắc về khả năng di chuyển hiệu quả của nó do khối lượng và kích cỡ quá "khủng" như vậy. Tuy nhiên, kết quả từ mô hình máy tính đã chỉ ra loài khủng long khổng lồ trên có thể di chuyển với tốc độ cao, khoảng 8km một giờ.
"Nghiên cứu mới minh chứng rằng, con khủng long này nhiều khả năng đã tản bộ xuyên qua các vùng đất ở kỷ Phấn trắng, nơi ngày nay là Patagonia ở Nam Mỹ", chuyên gia Lee Margetts, thành viên nhóm nghiên cứu nói.