Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy loài sát thủ săn mồi của đầm lầy biết cách sử dụng các cành cây nhỏ làm công cụ nhử mồi, giúp cho việc bắt mồi dễ dàng hơn.
>>> Bí quyết thay răng hàng chục lần ở cá sấu
Trong quá trình quan sát và nghiên cứu đặc tính săn mồi của loài cá sấu Ấn Độ, các nhà nghiên cứu của Đại học Tennessee nhận thấy chúng thường sử dụng những cành cây nhỏ dài để thu hút con mồi là những con chim.
Theo quan sát, các con cá sấu thường nằm trong vùng nước nông, đầm lầy với những cành cây dài mảnh hoặc những que gỗ nhỏ ở trên đầu hay ngậm trong miệng. Sau đó chúng nằm bất động và chờ đợi các con chim lội nước đi vào khu vực này để thu thập những cành cây nhỏ về làm tổ. Khi chim tiến lại gần, cá sấu sẽ nhanh chóng chồm lên phía trước và tấn công con mồi.
Những chiếc que nhỏ được đặt trên đầu hoặc ngậm trong miệng sẽ giúp cá sấu thu hút các con chimi và tấn công chúng dễ dàng hơn. (Ảnh: Nature World News)
Trong một nghiên cứu khác được thực hiện ở 4 khu vực thuộc Louisiana, Mỹ, trong đó có hai khu vực là nơi các loài chim thường tập trung đông đúc để làm tổ, các nhà khoa học một lần nữa chứng kiến khả năng nhử mồi tương tự của cá sấu. Hành vi dùng bẫy nhử mồi của cá sấu xuất hiện vào khoảng giữa tháng 3 và tháng 5, mùa làm tổ của các loài chim trong khu vực.
Vào mùa làm tổ, các con chim thường tìm kiếm ở những nơi có nhiều cành cây nhỏ. Khi đó, cá sấu tận dụng cơ hội này để đánh lừa thị giác của chúng và dễ dàng săn mồi hơn.
Nature World News dẫn lời giáo sư Vladimir Dinets cho biết, đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy cá sấu biết sử dụng mẹo để nhử mồi và căn cứ vào biểu hiện hành vi theo mùa của con mồi để đặt bẫy.
Ông Dinets cũng cho hay nghiên cứu này khiến họ thay đổi cách nhìn nhận về khả năng săn mồi của cá sấu. Loài bò sát được mệnh danh là sát thủ đầm lầy có phương thức săn mồi linh hoạt và thông minh hơn so với họ nghĩ trước đây.