Phi thuyền Mỹ ra khỏi hệ Mặt Trời

  •  
  • 3.308

Các nhà khoa học quốc tế tuyên bố Voyager 1, phi thuyền Mỹ bay vào vũ trụ từ năm 1977, đã bay qua ranh giới của Thái Dương Hệ.

Tuyên bố của các nhà khoa học xuất hiện trong một bài báo trên tạp chí Geophysical Research Letters. Theo bài báo, Voyager 1 đang cách trái đất hơn 18 tỷ km. Phi thuyền phát hiện sự thay đổi rõ rệt về nồng độ của hai loại hạt mang điện tích trong môi trường xung quanh nó từ ngày 25/12/2012. Một loại hạt mang điện tích tồn tại bên trong hệ Mặt Trời, còn một loại tồn tại bên ngoài hệ (tức là nó thuộc không gian liên sao).

Hình minh họa phi thuyền Voyager 1. Nó đang bay ra khỏi hệ Mặt Trời với vận tốc 17km/s.
Hình minh họa phi thuyền Voyager 1. Nó đang bay ra khỏi hệ Mặt Trời với vận tốc 17km/s.

"Nồng độ hạt mang điện tích trong hệ Mặt Trời giảm 1% so với trước đây, trong khi nồng độ hạt mang điện tích từ không gian liên sao tăng gần gấp đôi", nhà thiên văn Bill Webber, giáo sư danh dự của Đại học New Mexico, phát biểu. Webber là trưởng nhóm phân tích dữ liệu của tàu Voyager 1.

Số lượng hạt mang điện là một trong ba dấu hiệu mà NASA sử dụng để tính toán thời gian tàu vượt ra khỏi ranh giới của hệ Mặt Trời. Sự gia tăng mạnh của số lượng luồng hạt đồng nghĩa với việc tàu sắp bay vào không gian liên sao.

Tuy nhiên, Webber và các đồng nghiệp chưa kết luận rằng Voyager 1 đã lọt vào không gian liên sao.

Voyager 1 được phóng vào ngày 5/9/1977. Còn Voyager 2, một phi thuyền khác, bay lên vũ trụ vào ngày 20/8 cùng năm. Nhiệm vụ ban đầu của hai tàu là thám hiểm các sao Mộc, Thổ, Hải Vương, Thiên Vương. Chúng hoàn thành nhiệm vụ này vào năm 1989. Sau đó chúng bay về phía trung tâm dải Ngân Hà theo hai hướng. Lò phản ứng hạt nhân của chúng sẽ ngừng sản xuất điện trong khoảng 10 tới 15 năm nữa. Sau khi lò phản ứng ngừng hoạt động, các thiết bị điện tử và phát sóng của hai tàu sẽ “chết”.

Theo VNE
  • 3.308