Tàu tự hành mặt trăng đầu tiên của Trung Quốc Thỏ Ngọc đã "chết cứng" trên bề mặt mặt trăng, truyền thông Trung Quốc đưa tin.
>>> Xe tự hành mặt trăng của Trung Quốc gặp sự cố
Theo đó, cỗ máy này “không thể phục hồi đầy đủ các chức năng trong ngày thứ hai (10/2) vừa qua như mong đợi”, tờ China News Service viết.
Thỏ Ngọc (tiếng Trung Quốc là Yutu) từng gặp sự cố nghiêm trọng trong tháng 1 vừa qua và “không thể tiếp tục hoạt động kể từ đó”. Tân Hoa Xã trước đó đưa tin sự cố xuất hiện vào cuối tháng 1/2014, khi tàu tự hành bước vào giai đoạn ngủ đông theo lịch trình đặt sẵn. Sau đó, tàu Thỏ Ngọc ngừng hoạt động suốt 14 ngày đêm do không đủ ánh sáng mặt trời cung cấp năng lượng hoạt động cho nó.
Phi thuyền Hằng Nga mang tàu tự hành Thỏ Ngọc đáp xuống mặt trăng hồi 15/12. (Ảnh: completevision.in)
Tuy nhiên, tờ Global Times của Trung Quốc mới đây lại đưa tin rằng robot này “có dấu hiệu thức tỉnh vào ngày thứ tư (12/2)". Theo tờ báo này, dữ liệu về tình trạng hiện tại và quá trình sửa chữa vẫn đang được thu thập và phân tích, một bản cập nhật chính thức dự kiến sẽ ra mắt trong những ngày tới.
Tàu tự hành Thỏ Ngọc thuộc sứ mệnh Hằng Nga-3, đáp xuống mặt trăng hôm 15/12/2013 và là tàu vũ trụ đầu tiên trong 37 năm qua thực hiện hạ cánh mềm trên mặt trăng, kể từ khi Liên Xô phóng tàu Luna 24 năm 1976. Theo dự kiến ban đầu, Thỏ Ngọc sẽ hoạt động trong vòng 3 tháng trên mặt trăng.
Sứ mệnh Hằng Nga là niềm tự hào rất lớn của Trung Quốc, giúp Trung Quốc trở thành nước thứ ba hạ cánh xuống mặt trăng, sau Mỹ và Liên Xô.
BBC cho rằng, nếu thông tin này được xác nhận, cái chết của robot Thỏ Ngọc sẽ là cú đánh mạnh vào chương trình thám hiểm không gian đầy tham vọng của Trung Quốc.