Ngày mai (8/10) Việt Nam đón xem hiện tượng trăng máu

  •  
  • 4.381

Tối 8/10, Việt Nam sẽ có cơ hội quan sát nguyệt thực toàn phần lần thứ hai trong năm. Hiện tượng này xảy ra cũng là lúc mặt trăng nhuốm màu đỏ rõ và đẹp nhất.

>>> Hình ảnh mặt trăng máu đổi màu
>>> Video trực tiếp hiện tượng "Trăng máu" đầu tiên trong năm
>>> Huyền thoại 4 kỳ trăng máu

Theo tính toán của NASA, trừ châu Âu, châu Phi và một phần nhỏ khu vực châu Á không quan sát được, thì các vùng còn lại đều có thể quan sát được nguyệt thực lần này, nhất là phía tây Bắc Mỹ, Australia và phía đông châu Á.

Ngày mai (8/10) Việt Nam đón xem hiện tượng trăng máu
Đồ họa mô phỏng diễn biến của nguyệt thực và sắc thái mặt trăng. (Ảnh: HAAC)

Tại Việt Nam, nguyệt thực nửa tối (penumbral eclipse) bắt đầu từ 15h15 khi trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái đất, nhưng nguyệt thực nửa tối sẽ rất khó nhận biết vì Mặt trăng chỉ tối hơn bình thường một chút. Thời điểm nên quan sát là 16h14, khi Mặt trăng vào vùng bóng tối của Trái đất, bắt đầu giai đoạn nguyệt thực một phần (partial eclipse), màu sắc của vùng bóng Trái đất in trên Mặt trăng sẽ chuyển dần từ đen xám sang ửng đỏ khi vùng bóng này lớn dần.

Nguyệt thực toàn phần (total eclipse) bắt đầu lúc 17h25 và toàn bộ Mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ. Nó đạt cực đại lúc 17h54 cũng là lúc Mặt trăng nhuốm màu đỏ rõ, đẹp nhất, vì vậy hiện tượng này còn gọi là "trăng máu".

Người xem tiếp tục quan sát được pha nguyệt thực toàn phần cho đến 18h24. Sau đó Mặt trăng sẽ dần ra khỏi vùng tối, màu sắc dần trở về bình thường cho đến khi ra khỏi vùng bóng tối hoàn toàn vào lúc 19h34 và kết thúc nguyệt thực một phần.

Theo anh Đặng Tuấn Duy, Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP HCM (HAAC) thì Việt Nam thuận lợi quan sát nguyệt thực một phần; còn pha toàn phần thì khó quan sát hơn do thời tiết và vị trí Mặt trăng đang ở rất sát chân trời hướng đông và chuẩn bị mọc.

Ngày mai (8/10) Việt Nam đón xem hiện tượng trăng máu

"Thời gian này trời luôn rất nhiều mây do đang là mùa mưa ở Việt Nam, thời tiết không ổn định và nguyệt thực toàn phần kết thúc lúc 18h24 thì Mặt trăng chỉ lên cao được 11 độ so với chân trời, nên khó quan sát được nguyệt thực ở giai đoạn toàn phần", anh Duy nói và khuyên người xem cần ở vị trí quan sát thật trống ở hướng đông và chân trời ít mây.

Đây là nguyệt thực lần thứ hai trong năm. Lần trước diễn ra ngày 14-15/5 nhưng Việt Nam không quan sát được. Theo các chuyên gia, khi quan sát nguyệt thực, người xem không cần thiết bị bảo vệ mắt mà có thể bằng mắt thường. Nhưng nếu sử dụng ống nhòm và kính thiên văn nhỏ sẽ nhìn rõ được bề mặt màu đỏ của mặt trăng.

Nguyệt thực là gì?

Trái đất được Mặt trời chiếu sáng đồng thời cũng cản các tia sáng từ Mặt trời tạo ra một vùng bóng tối trải dài trong không gian. Mặt trăng chuyển động tròn quanh Trái đất nên có thể sẽ "đi" vào vùng tối này. Lúc này Mặt trăng không còn được Mặt trời chiếu sáng trực tiếp nên không sáng như bình thường.

Vùng tối tạo ra bởi Mặt trăng chia làm 2 vùng, vùng nửa tối (penumbra) và vùng tối (umbra). Nếu Mặt trăng trong quỹ đạo quanh Trái đất của nó đi vào vùng nửa tối thì nguyệt thực nửa tối sẽ diễn ra, nếu Mặt trăng đi vào vùng bóng tối thì sẽ có nguyệt thực toàn phần hay một phần diễn ra.

Do mặt phẳng quỹ đạo quanh Mặt trời của Trái đất và mặt phẳng quỹ đạo quanh Trái đất của Mặt trăng nghiêng một góc hơn 5 độ nên hiện tượng nguyệt thực diễn ra không thường xuyên. Nếu 2 mặt phẳng này trùng nhau thì sẽ có nhật và nguyệt thực mỗi tháng.

Tiêu đề đã được khoahoc.tv đổi lại.

Theo Vnexpress
  • 4.381