Loài người chúng ta xưa nay thường tự cho rằng mình hoàn toàn có khả năng nhận biết tất cả những gì diễn ra trong tự nhiên, và do vậy thường tìm cách phủ nhận những gì mà người ta không chứng minh được hoặc không nhận biết được bằng cái khả năng hạn hẹp vốn có của mình, vậy phải chăng những gì nằm ngoài khả năng nhận thức của con người thì không tồn tại?
Chúng ta vẫn gặp những điều bí hiểm và không giải thích được trong tự nhiên, phải chăng đó chỉ là những sự kiện ‘hoang đường’?
Con người chúng ta được sinh ra ở trên đời với 5 giác quan vật lý để có thể cảm nhận đuợc thế giới xung quanh mình: Thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác và vị giác, cùng với những công cụ tuyệt vời của loài người là khả năng suy luận, chữ viết, biểu tượng..., loài người đã xây dựng nên một kho tàng về sự hiểu biết và gọi đó là nền văn minh nhân loại, như vậy, nền văn minh mà con người chúng ta hiện nay đang có được xây dựng nên chủ yếu dựa trên khả năng cảm nhân bởi 5 giác quan cùng với sự suy luận của mình
Phải thừa nhận là, sự hiểu biết ngày nay của con người là rất vĩ đại, nhưng có thực sự là chúng ta có thể nhận biết được toàn bộ mọi sự vật và hiện tượng trong tự nhiên ?
Ngay chỉ với những khái niệm vật lý mà ta đã biết, ta cũng có thể thấy được rằng những gì mà 5 giác quan của chúng ta thu nhận được quả là rất hạn chế: Mắt người chỉ có thể thấy được mọi thứ trong dải ánh sáng, ở dải tần số cao hơn (tia cực tím, tia X, tử ngoại...) hoặc thấp hơn (tia hồng ngoại, sóng Viba và các dải sóng điện từ), mắt người hoàn toàn không cảm nhận được gì cả, hơn nữa, những vật trong dải nhìn được, nếu quá to, hay quá bé, chúng ta cũng không thể nhìn ra.
Với thính giác cũng vậy, tai người ta chỉ có thể cảm thấy được những sóng âm ở dạng dao động với tần số từ 20Hz cho đến 20 KHz, một dải tần số rất hạn hẹp so với tự nhiên, ở dải tần số thấp (hạ âm) và ở dải tần số cao (siêu âm), tai chúng ta cũng hoàn toàn không cảm nhận được.
Tương tự như vậy với các giác quan khác, ta cũng dễ thấy rằng khả năng của chúng thật hạn chế, ngay cả với những thứ mà ta biết chắc là có thật, ví dụ như không khí chẳng hạn, các giác quan của chúng ta cũng không cho kết quả cảm nhận nào.
Vậy còn khả năng suy luận của chúng ta thì sao? Với những hạn chế trong cảm nhận thế giới tự nhiên, chắc chắn sẽ có rât nhiều điều chúng ta chưa biết, hoặc không suy luận ra được, lấy một ví dụ đơn giản trong hình học, chúng ta đã quá quen với khái niệm không gian 3 chiều (3D) nên suy luận của chúng ta lập tức có khuynh hướng phủ nhận các khái niệm về chiều thứ 4 trở lên, tuy nhiên, nếu quy chiếu tương đương sang đại số, ta biết rằng 1 điểm di chuyển sẽ tạo thành 1 đường (lũy thừa 1-không gian một chiều), 1 đường di chuyển sẽ tạo một mặt (lũy thừa 2-không gian 2 chiều), một mặt di chuyển sẽ tạo một khối (Lũy thừa 3-không gian 3 chiều), vậy khi một khối di chuyển sẽ tạo thành cái gì, rôi cái ‘khối’ kỳ dị đó di chuyển thì sẽ tiếp tục tạo ra cái gì? Đến đây thì các nhà bác học ‘siêu tưởng’ cũng đành chịu, mặc dù trong đại số, khái niệm lũy thừa lớn hơn 3, và thậm chí số mũ âm, lô-ga-rít đã được công nhận.
Nói như vậy chỉ là để dẫn đến một kết luận: những gì mà chúng ta cảm nhận và suy luận được thực ra chỉ là một góc rất nhỏ và hạn hẹp trong thế giới tự nhiên, vậy cho nên trước đây đã có một số các nhà triết học chủ trương thuyết ‘bất khả tri’, nhưng người ta đã dần quên đi điều đó, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và kỹ thuật hiện nay, người ta lầm tưởng rằng mình đã biết tất cả mọi điều, và khăng khăng phủ nhận nếu có ai dám nói những điều chưa được khoa học chứng minh là thực sự tồn tại.
Xin đưa ra đây một ví dụ, nếu có một thế giới khác song song tồn tại với chúng ta, tuy nhiên, những vật thể, con người trong thế giới đó tồn tại ở dạng mà càc giác quan của chúng ta không nhận ra được, chẳng hạn như tần số âm thanh mà họ dùng để nói chuyện khác quá xa chúng ta, những hình ảnh và vật chất trong thế giới đó nằm ở dải mà thị giác và xúc giác của chúng ta không cảm nhận được...vv, vậy đương nhiên chúng ta không thể thấy được chút gì về thế giới đó, nhưng nó vẫn thực sự có thật và tồn tại khách quan, chẳng cần biết đến việc chúng ta có tin là nó có thật hay không.
Như vậy, nếu thay đổi cách suy nghĩ của mình về tự nhiên và đừng áp đặt những thành kiến hạn hẹp của mình nữa sẽ có thể giúp con người chúng ta mở thêm được nhiều cánh cửa mà trước đến nay vẫn khép kín, và biết đâu, nhờ đó chúng ta có thể có thêm nhiều thành tựu lớn lao có tính chất đột phá trong khoa học?
Chúng ta nên xem xét những hiện tượng lạ và chưa có lời giải một cách công bằng và không thành kiến (Ví dụ như hiện tượng các nhà ngoại cảm tìm mộ gần đây chẳng hạn), bởi vì biết đâu nhờ đó chúng ta sẽ tìm được nhiều điều quý giá cho cuộc sống của nhân loại?
Vậy mới biết rằng, trên đời này người ta “không thể nói không thể“