Tài năng của những thần đồng này được bộc lộ ngay từ khi còn rất nhỏ... tuy nhiên chúng cũng bị chôn vùi và lụi tàn.
Thế kỷ XX đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều thần đồng với trí tuệ và tài năng vượt xa sự tưởng tượng của con người. Rất nhiều trong số đó đã trở thành những người vĩ đại với thành tựu vượt bậc, nhưng cũng không ít thần đồng phải chôn vùi khả năng của mình vì nhiều lý do khác nhau…
William James Sidis (1898 - 1944) là con của một cặp vợ chồng Mỹ gốc Do Thái, cả cha và mẹ ông đều có trí tuệ nổi trội. Ông Boris, cha của William, là một giáo sư tâm lý học tại trường Đại học Havard. Còn mẹ của ông, bà Sarah là một bác sỹ tài năng.
Khi mới 11 tuổi, William đã vinh dự trở thành sinh viên trẻ nhất trong lịch sử trường đại học danh tiếng Harvard.
Cậu bé William sớm bộc lộ tài năng trí tuệ thiên bẩm của mình: 18 tháng tuổi, cậu đã có thể đọc báo một cách thành thục; 2 tuổi tự học tiếng La tinh; lên 3 có thể nói được tiếng Hy Lạp và tự mình đánh máy các bức thư. Năm 8 tuổi, ông đã chứng minh được tài năng toán học thiên phú bằng cách phát triển một bảng logarit mới dựa trên con số 12.
Khi 9 tuổi, William tham gia phát biểu tại một hội nghị nghiên cứu không gian ở Đại học Havard. Và 2 năm sau, cậu nhóc 11 tuổi đã vinh dự trở thành sinh viên trẻ nhất trong lịch sử trường đại học danh tiếng Harvard.
Một trong số những bài báo viết về William James Sidis.
Theo nhiều giáo sư ở Harvard kể lại, từ khi lên 8, William đã đủ trí thông minh và kiến thức để học tại Harvard. Nhưng lúc này vóc dáng cơ thể của cậu "chưa phù hợp" để đủ điều kiện học Đại học. Chính vì vậy ban giám hiệu quyết định, William phải đợi thêm 3 năm nữa mới được học ở ngôi trường danh giá này.
Các bài test cho thấy chỉ số thông minh của William đạt 250-300, được công nhận là người thông minh nhất trong lịch sử thế giới. Ngoài tài năng về toán học, ông còn thông thạo 8 loại ngôn ngữ khác nhau và viết rất nhiều cuốn sách khoa học có giá trị…
William tốt nghiệp Harvard năm 16 tuổi, 4 năm sau, ông trở thành giáo sư toán tại trường ĐH Rice (Mỹ). Nhưng khi bị quá nhiều sinh viên châm chọc, William đã từ bỏ sự nghiệp dạy học và quay lại Harvard để học luật. Và từ đây bắt đầu một giai đoạn sóng gió trong cuộc đời của ông.
William tốt nghiệp Harvard năm 16 tuổi.
Nhiều lần William nói với phóng viên rằng cậu muốn sống một cuộc đời "hoàn hảo" mà theo cậu là lối sống ẩn dật. Ngoài ra, William không muốn kết hôn vì chẳng còn hứng thú với tình yêu.
Bên cạnh những phiền toái từ sự nổi tiếng quá mức, William còn là nạn nhân của chương trình giáo dục khắc nghiệt dành cho thần đồng ở Mỹ lúc bấy giờ. Bố của cậu bé liên tục ép con tìm hiểu các kiến thức tâm lý học chuyên sâu - lĩnh vực mà ông nghiên cứu.
Dù William rất yêu thích việc học thời thơ ấu, cậu cảm thấy ngày càng mệt mỏi ở tuổi trưởng thành và trách cứ bố đã gây áp lực cho mình. Thậm chí khi bố qua đời năm 1923, William đã không về nhà đưa tiễn.
Cuộc sống ẩn dật và qua đời trong nghèo khổ
Sở hữu tài năng phi thường nhưng William lại chọn công việc văn thư để kiếm ăn từng bữa. Dù vậy, mọi người vẫn soi mói vị thiên tài được báo chí ca ngợi, khiến William càng muốn trốn tránh đám đông và liên tục nhảy việc.
Năm 1924, cánh phóng viên phát hiện thần đồng Harvard đang chạy việc vặt với mức lương 23 USD/tuần. Tin tức này xuất hiện khắp các mặt báo, với nhiều bình luận rằng thiên tài ngày nào đã mất đi ánh hào quang lẫn tài năng của mình. Điều này không đúng, bởi William đã viết ra nhiều đầu sách có giá trị dưới các bút danh khác nhau.
Năm 1919, William bị bắt khi tham gia cuộc diễu hành chống chiến tranh tại Boston. Bị kết án 18 năm nhưng cha của William đã giúp ông ra tù, nhưng lại có một quyết định sai lầm khi đưa ông trong viện điều trị tâm thần hơn 1 năm.
Vì quá lo sợ con trai mình sẽ lầm đường lạc lối, mẹ và cha của William liên tục kiểm soát, theo dõi và cấm đoán ông giao lưu kết bạn với những người lạ. Quá chán nản, ông từ bỏ toán học và chuyển sang viết sách. Tuy nhiên, con đường này đã trở nên lạc lối.
Năm 1925, ông xuất bản cuốn sách về vũ trụ học trong đó ông dự đoán về các hố đen trong vũ trụ nhưng không nhận được nhiều sự ủng hộ của giới học giả. William qua đời vì xuất huyết não vào năm 1944, năm đó ông 46 tuổi.
Về sau, nhiều nhà giáo dục nhìn nhận cuộc đời William như "một thí nghiệm ép buộc", liên tục trải qua những đòi hỏi khắc nghiệt chỉ để đo khả năng trí tuệ của con người. Có lẽ nếu không bị "chín ép", William đã đóng góp được nhiều hơn và cũng có cho mình một cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
Winfred Sackville Stoner Jr sinh ra ở Virginia vào năm 1902 là con riêng của bà Winfred Sackville Stoner, một nhà giáo dục tài năng, người sáng lập ra trường phái “dạy học gắn liền với niềm vui của trẻ”.
Với sự quan tâm và dạy dỗ của mẹ, Stoner Jr đã nhanh chóng bộc lộ tài năng thiên bẩm về ngôn ngữ của mình. Chưa đầy 8 tuổi, cô bé đã dịch rất nhiều cuốn sách ra tiếng Tây Ban Nha. Năm 9 tuổi, Stoner Jr vượt qua kỳ thì tuyển gắt gao để trở thành sinh viên của một trường đại học danh giá.
Chưa dừng lại ở đó, năm 12 tuổi, Stoner Jr đã giao tiếp thành thạo bằng 8 thứ tiếng, am hiểu tường tận nhiều loại nhạc cụ như guitar, piano và sáng tác rất nhiều bài thơ, tiểu thuyết có giá trị văn học cao…
Sự thông minh của Stoner Jr đã đem đến cho mẹ cô một "món hời" lớn. Bà chia sẻ những bí quyết dạy con trong một cuốn sách mang tên “Giáo dục Tự nhiên”. Bất cứ bậc phụ huynh nào sống ở Mỹ thời bấy giờ đều mong muốn có được cuốn sách này. Chỉ trong một thời gian ngắn, Stoner Jr và mẹ của mình đã trở thành những triệu phú giàu có.
Cuốn sách Natural Education (tạm dịch: Giáo dục tự nhiên) do mẹ của Stoner Jr viết đã trở thành một trong những tài liệu dạy con nổi tiếng nhất mọi thời đại.
Tiếc rằng, Stoner Jr đã có một cuộc sống hôn nhân không thành công như trí tuệ của mình. Năm 1921, cô kết hôn khi mới có 19 tuổi với một người Pháp tên là Charles De Bruche.
Đây là tên lừa đảo chuyên nghiệp, hắn giả vờ chết vào năm 1922 ở Mexico để lấy tiền bảo hiểm nhân mạng từ Stoner Jr. Sau khi biết được sự thật đau đớn vào năm 1930, cô quyết định tái hôn theo ý muốn của mẹ.
Nhưng cuộc hôn nhân đầu tiên đã để lại cho Stoner Jr một vết thương lòng ghê gớm, chỉ trong vòng 3 năm, cô liên tục kết hôn rồi ly dị với 3 người đàn ông. Cuối cùng, sau khi chia tay vị hôn phu thứ tư EW Harrison, Stone Jr quyết định sống cô độc một mình cho đến hết đời tại một cùng quê hẻo lánh ở Virginia.
Sinh vào năm 1913 tại vùng Brooklyn, Nathalia Crane là một trong những nhà thơ trẻ nhất mà thế giới được biết đến. Những sáng tác đầu tiên của cô ngay lập tức gây chú ý dư luận. Khi mới 9 tuổi, các bài thơ của Crane đã được tờ The New York Sun mua bản quyền để xuất bản.
Đến năm lên 10, "tài năng nhỏ" này đã tạo ra tác phẩm cực kỳ ăn khách lúc bấy giờ có tên “Romance”, miêu tả lại cuôc phiêu lưu kỳ thú của một thiếu nữ xinh đẹp tới hòn đảo của các thiên thần.
Đến năm 1925, khi mới 12 tuổi Crane được bầu làm thành viên chính thức của “hội nghệ thuật Hoa Kỳ”. Từ đấy, cứ mỗi năm, thần đồng thơ văn lại đều đặn cho ra đời những tác phẩm xuất chúng. Cô nhanh chóng trở thành niềm tự hào của cả nước Mỹ, nhiều người còn gọi yêu Crane là: “Đứa trẻ vàng của Brooklyn”.
Nhưng khác với nhiều thần đồng đương thời, Nathalia Crane không còn một chút thơ ngây của trẻ em, cách suy nghĩ của cô bé già dặn hệt như một người trưởng thành. Những câu trả lời phỏng vấn của Nathalia Crane với báo giới luôn sắc sảo, khôn ngoan, với giọng điệu thấm đẫm sự từng trải. Đặc biệt, cô bé còn mạnh dạn chia sẻ quan điểm của mình về tình yêu, hôn nhân, tình dục…
Chính từ suy nghĩ này với tài năng "không thể tin nổi", một số nhà thơ đã nghi ngờ tài năng của Crane chỉ là trò bịp bợm. Nhà phê bình thơ Edwin Markham cho rằng: “Một đứa trẻ 12 tuổi không thể nào có một kiến thức rộng lớn như vậy. Hiểu biết trong các bài thơ của Crane trải dài từ kiến thức lịch sử, khảo cổ, tình yêu, hôn nhân… Đó thực sự quá nhiều, tôi tin đây là sự hợp sức của rất nhiều cá nhân và Crane chỉ là người đại diện”.
Một số bài báo ác ý hơn, cố chứng minh rằng cha mẹ của Crane mới chính là chủ nhân của các tác phẩm và đứa con gái chỉ là bình phong đánh lừa dư luận.
Quá mệt mỏi trước những công kích, Crane buông xuôi công việc sáng tác, các tác phẩm ít dần. Từ khi trở thành giáo viên tiếng Anh của ĐH San Diego, Crane cũng đoạt tuyệt vĩnh viễn với thơ văn. Kể từ đó cô sống một cách thanh đạm, khiêm tốn, luôn cố gắng tránh xa những ồn ào của xã hội.
Elizabeth Benson sinh năm 1913 ở Texas, Mỹ. Anne Austin - mẹ cô là một nhà báo, tiểu thuyết gia trinh thám nổi tiếng đương thời. Có lẽ được di truyền tài năng văn học của mẹ, ngay 3 tuổi Elizabeth đã biết đánh vần và bắt đầu sáng tác thơ văn.
Với IQ hơn 214, cô bé Elizabeth Benson đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới từ khi lên 8. Nhưng mẹ cô không để cho con gái mình thoải mái tiếp xúc với các phương tiện truyền thông, thậm chí bà còn không cho Elizabeth đọc các mẫu báo ca ngợi tài năng nữ thần đồng này. Chính vì vậy, dù có bộ não của một giáo sư nhưng Elizabeth vô cùng khiêm tốn và cầu tiến.
Khi 13 tuổi, cô đã cho ra đời một cuốn tiểu thuyết vô cùng ăn khách và nhận được học bổng của trường ĐH Barnard tại New York. Cô bé còn bộc lộ tài năng trên lĩnh vực thể thao.
Trong những năm học đại học, Elizabeth đã đạt rất nhiều huy chương vàng, giấy khen ở các môn bóng chuyền, bơi lội, điền kinh… Trong một cuốn sách mình viết, Elizabeth chia sẻ: “Hoạt động cơ bắp sẽ nâng cao khả năng hoạt động của các tuyến nội tiết, giúp đầu óc luôn luôn minh mẫn, tỉnh táo”.
Tương lai của một thiên tài đang dần rực sáng, thì Elizabeth lại chọn một lối rẽ khác. Điều này có thể là hạnh phúc riêng của cô, nhưng lại là nỗi thất vọng và "bất hạnh" cho những người xung quanh.
Sau khi tốt nghiệp đại học, thiên tài này chọn một cuộc sống đơn giản bên người mình yêu. Cô không tham gia vào các hoạt động sáng tác, nghiên cứu văn học mà trở thành một người vợ, người mẹ đảm đang, thương yêu con cái.
Đã có có nhiều tờ báo, phương tiện truyền thông đứng ra chỉ trích, phê bình sự ích kỷ của Elizabeth khi không cống hiến bộ óc của mình cho đất nước, xã hội. Nhưng cô vẫn bỏ ngoài tai tất cả để sống hạnh phúc với gia đình cho tới khi từ trần vào năm 80 tuổi.