Ngày 6/10, hai nhà khoa học Na Uy May-Britt và Edward Moser, vừa cùng đoạt giải Nobel Y sinh, khẳng định cuộc hôn nhân của họ là nền tảng đem lại thành công.
Theo AFP, bà May-Britt Moser cho biết bà và chồng Edward “có cùng tầm nhìn, hiểu nhau, luôn nói chuyện với nhau, thảo luận cùng nhau về những câu hỏi chúng tôi quan tâm”.
“Có thể thảo luận nhanh chóng với nhau khi có ý tưởng là điều làm nên sự khác biệt” - bà May-Britt Moser nhấn mạnh.
Hai vợ chồng nhà khoa học May-Britt và Edward Moser - (Ảnh: Reuters)
Hôm nay ông bà Moser đã được tôn vinh với giải Nobel y sinh nhờ công trình nghiên cứu về hệ thống định vị tự nhiên trong bộ não người. Họ chia sẻ giải thưởng 1,1 triệu USD với chuyên gia Anh John O’Keefe.
Ông bà Moser là cặp đôi thứ năm từng đoạt giải Nobel, và là cặp thứ tư giành giải cùng nhau.
Năm 1903, nhà khoa học Pháp Marie Curie cùng chồng Pierre đoạt giải Nobel vật lý. Ba thập kỷ sau con gái của họ là Irene Joliot-Curie chia sẻ giải Nobel hóa học cùng chồng Frederic Joliot. Vợ chồng Gerty và Carl Cori chia sẻ giải Nobel Y sinh năm 1974.
Nhà kinh tế học Thụy Điển Gunnar Myrdal đoạt giải Nobel kinh tế năm 1974. Và tám năm sau đó, vợ ông là bà Alva Myrdal đã nhận giải Nobel hòa bình.
Chuyên gia Gustav Kaellstrand thuộc Viện Bảo tàng Nobel ở Stockholm (Thụy Điển) cho biết các nhà khoa học đoạt giải Nobel thường “có quan hệ với những người thông minh và cởi mở”.
Do đó ông tin tưởng rằng sẽ có thêm nhiều cặp vợ chồng đoạt giải Nobel trong tương lai.
“Các cặp vợ chồng thường là đội ngũ gắn kết. Họ có thể trao đổi ý tưởng trong và ngoài phòng thí nghiệm. Điều đó rất có ích bởi nhiều khi những ý tưởng thiên tài không thể xuất hiện nếu nhà khoa học cứ ngồi lỳ trong phòng thí nghiệm” - chuyên gia Kaellstrand cho biết.
Tiêu đề đã được khoahoc.tv đặt lại.