Bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Mũi Cà Mau

  •  
  • 4.158

Mũi Cà Mau là địa danh ở cực Nam của Tổ quốc, nơi được ghi nhận là vị trí quan trọng trong thư mục các vùng đất ngập nước của các nước Đông Nam Á và nhiều tư liệu bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường của thế giới.

>>> Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được công nhận khu Ramsar

Các đặc điểm của hệ sinh thái đất ngập nước nơi đây tiêu biểu cho vùng sinh thái ven biển, nên trở thành điểm du lịch và tham quan lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước.

Trước những giá trị nổi bật mà thiên nhiên ban tặng, ngày 26/5/2009, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được Ủy ban UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới, tiếp đó ngày 13/4 vừa qua, Vườn quốc gia này vinh dự đón nhận là Khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam và là Khu Ramsar thứ 2.088 của Thế giới.

Hệ động, thực vật rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau tuy không đa dạng về loài, nhưng do vị trí địa lý và đặc điểm riêng biệt về rừng đã tạo cho nơi đây một giá trị khoa học và sinh thái tiêu biểu. Hệ thực vật ở đây có 27 loài cây ngập mặn với quần thể gồm rừng tái sinh tự nhiên hỗn giao giữa cây đước, vẹt và rừng mắm; trong đó có 2 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam là đước đôi và quao nước.

Bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Mũi Cà Mau
Động vật tại vườn quốc gia Mũi Cà Mau. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Còn hệ động vật tiêu biểu là lớp chim với 93 loài, thuộc 33 họ và 9 bộ; có 11 loài chim quý hiếm, 7 loài đang bị đe dọa cấp quốc gia, 7 loài bị đe dọa cấp toàn cầu và 1 loài được nêu trong Nghị định 32 của Chính phủ. Đây là nguồn gen quý hiếm đang được ưu tiên bảo tồn. Khu hệ thú có 26 loài thuộc 11 họ và 8 bộ, trong đó có 11 loài thuộc diện quý hiếm, có 6 loài đang bị đe dọa cấp toàn cầu... Đặc biệt, hai loài thú có trong sách đỏ IUCN là 2 loài linh trưởng (khỉ đuôi dài và cà khu). Lưỡng cư và bò sát đã phát hiện 43 loài bò sát thuộc 12 họ, 2 bộ; có 16 loài đang bị đe dọa, trong đó 13 loài bị đe dọa cấp quốc gia và 6 loài bị đe dọa cấp toàn cầu; 9 loài bò sát có tên trong Nghị định 32 của Chính phủ và 9 loài lưỡng cư thuộc 5 họ và 2 bộ, có 1 loài lưỡng cư cũng bị đe dọa diệt vong cấp quốc gia.

Về thủy sản đã xác định được 139 loài cá, thuộc 21 bộ, 55 họ, 89 giống với nhiều loài quý hiếm và có giá trị kinh tế cao. Hiện đã xác định được 53 loài thân mềm thuộc 9 bộ, 28 họ và 8 giống. Đáng lưu ý là các loài cá ngựa đen; cá cháo lớn thuộc họ cá cháo, bộ cá cháo biển là loài sống ven bờ và cửa sông đang có nguy cơ tuyệt chủng. Cũng như cá mòi không răng và sam ba gai đuôi số lượng giảm mạnh. Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu chuyên sâu về các đối tượng này nhằm đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp.

Mục tiêu đặt ra cho Vườn quốc gia Mũi Cà Mau trước hết là bảo tồn lâu dài mẫu chuẩn sinh thái có tầm quan trọng quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở các giải pháp khoa học, kinh tế và xã hội, để bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước vùng Đất Mũi đa dạng trong quá trình biến đổi của tự nhiên. Mặt khác Vườn quốc gia còn phục vụ các hoạt động tham quan, du lịch sinh thái và hợp tác quốc tế, xây dựng và thực nghiệm các mô hình bảo tồn và sử dựng bền vững tài nguyên rừng ngập mặn, phát huy giá trị và chức năng kinh tế của hệ sinh thái đất ngập nước. Bảo vệ đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi cư trú của các loài sinh vật vùng ven biển, cung cấp dinh dưỡng cho các loài thủy sản, hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất ở vùng ven biển nơi đây.

Theo đó, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã chủ động tổ chức và phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành có liên quan, dự án của các tổ chức quốc tế và trong nước thực hiện nhiều cuộc tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư sống ven địa bàn quản lý của Vườn quốc gia, về các văn bản pháp quy của Nhà nước, phổ biến pháp luật và thi hành pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, biển. Nhất là đối với đối tượng là học sinh về vấn đề quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn đất ngập nước...

Cho đến nay, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã thành lập được 12 trạm bảo vệ và tổ cơ động thường xuyên tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng và biển; phối hợp với địa phương vận động tuyên truyền nhân dân tham gia bảo vệ, phát hiện kịp thời và xử lý các vụ việc vi phạm; xúc tiến xây dựng “cơ chế đồng quản lý” dựa vào cộng đồng trên cơ sở thực tiễn của địa phương; tham mưu cho chính quyền địa phương sử dụng hợp lý một số tài nguyên đất ngập nước và giúp người dân sở tại cùng tham gia vào hoạt động du lịch sinh thái của Vườn quốc gia.

Song điều cấp thiết nhất hiện này là cần phải tiến hành nghiên cứu tài nguyên động, thực vật rừng; xây dựng kế hoạch kiểm kê, giám sát đa dạng sinh học, giám sát đất ngập nước và xuất bản Sách hướng dẫn thực địa nhận dạng thú, chim, bò sát, ếch nhái và cá; nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ của Vườn quốc gia. Đặc biệt là xây dựng đề án quy hoạch cho Vườn quốc gia Mũi Cà Mau giai đoạn 2012-2016 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Thanh Niên
  • 4.158