Nhật Bản và Ukraina hợp tác theo dõi vệ tinh vùng bị thảm họa hạt nhân

  •  
  • 753

Vào hôm thứ Hai vừa qua, Ukraina và Nhật Bản đã đồng ý triển khai dự án vệ tinh chung nhằm theo dõi tình trạng hai nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và Fukushima, nơi mà những thảm họa hạt nhân lớn nhất thế giới đã từng xảy ra.

Sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Ukraina là ông Leonid Kozhara, Ngoại trưởng Fumio Kishida của Nhật Bản đã phát biểu: "Chúng tôi đã nhất trí hợp tác trong lĩnh vực không gian nhằm kiểm soát các khu vực xung quanh Chernobyl và Fukushima".

Dự án hợp tác này dự kiến trong năm 2014 sẽ đưa vào quỹ đạo 8 vệ tinh nhỏ để thu thập thông tin về những ảnh hưởng của bụi phóng xạ trên các khu vực lân cận 2 nhà máy.

Nhật Bản và Ukraina hợp tác theo dõi vệ tinh vùng bị thảm họa hạt nhân

Hãng tin Pháp AFP dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, đây sẽ là một dự án hợp tác giữa Đại học Tokyo và Cơ quan không gian quốc gia Ukraina. Các vệ tinh do Nhật Bản phát triển sẽ được phóng lên vũ trụ bởi tên lửa của Ukraina.

Vào hồi tháng 3/ 2011, một trận động đất và sóng thần đã phá hỏng nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở miền đông bắc Nhật Bản. Người ta ước tính quá trình khắc phục hậu quả của thảm họa này sẽ mất khoảng 40 năm.

Mặc dù chưa có cái chết nào được ghi nhận là hậu quả trực tiếp của thảm họa xảy ra tại lò phản ứng hạt nhân Fukushima, song phần lớn cư dân của khu vực xung quanh nhà máy đã phải đi sơ tán, hàng chục ngàn người vẫn chưa thể trở lại.

Nhật Bản và Ukraina hợp tác theo dõi vệ tinh vùng bị thảm họa hạt nhân

Theo thông tin mà Nhật Bản đã xác nhận hôm thứ Hai thì mỗi vệ tinh trong chương trình hợp tác dự kiến ​​sẽ nặng khoảng 60kg với độ dài đường kính khoảng 50cm. Chúng sẽ đưa hình ảnh về Trái đất 2 giờ/lần từ độ cao khoảng 600 km. Những vệ tinh này cũng sẽ nhận được tín hiệu từ các cảm biến được cài đặt trên mặt đất để thu thập thông tin từ những khu vực có mức độ bức xạ vượt quá tiêu chuẩn.

Trước đó một ngày, ông Kishida đã tới thăm Chernobyl, nơi đã xảy ra thảm họa năm 1986. Chuyến viếng thăm này là một phần trong kế hoạch của ông đến Ukraine để rút kinh nghiệm về các nỗ lực cứu trợ sau thảm họa cho Fukushima.

Vụ nổ tại lò phản ứng số 4 của nhà máy điện Chernobyl sáng sớm ngày 26/4/1986 đã khiến chất phóng xạ tràn ra ngoài không khí, lan rộng từ Liên Xô dến khắp châu Âu. Theo số liệu chính thức của Ukraina, hơn 25.000 công nhân từ Ukraine, Nga và Belarus đã chết do thảm họa này.

Nhật Bản và Ukraina hợp tác theo dõi vệ tinh vùng bị thảm họa hạt nhân

Hai thảm họa xảy ra tại Nhật Bản và Ukraina nói trên được phân loại là cấp 7 trên thang 7 điểm về quy mô thiệt hại do hạt nhân của Liên Hợp Quốc.

Theo Vnreview
  • 753