Trăn gấm 7 mét nuốt chửng người phụ nữ Indonesia như thế nào?

  •   3,54
  • 2.178

Trăn gấm sở hữu dây chằng linh hoạt nối liền hai hàm, cho phép chúng há rộng để nuốt chửng những con mồi rất lớn.

Một người phụ nữ ở Indonesia bị trăn dài 7 mét giết và nuốt chửng, theo BBC. Dù những tai nạn kiểu này hiếm khi xảy ra, đây là ca tử vong thứ hai do trăn gây ra ở Indonesia chỉ trong hơn một năm.Trăn ăn thịt người phụ nữ ở Indonesia.

Điều gì xảy ra với người phụ nữ?

Wa Tiba, 54 tuổi, mất tích hôm 14/6 khi đang thăm vườn rau trên đảo Muna ở tỉnh Sulawesi, Indonesia. Người dân địa phương tiến hành tìm kiếm Tiba trên diện rộng. Dép và dao rựa của bà được tìm thấy vào hôm sau và con trăn khổng lồ với chiếc bụng căng phồng nằm cách đó khoảng 30 mét.

"Người dân nghi ngờ con trăn đã nuốt chửng nạn nhân, do đó họ giết chết nó, sau đó mang xác nó ra khỏi khu vườn", Hamka, cảnh sát trưởng ở địa phương, cho biết. "Họ rạch bụng của con trăn và tìm thấy xác của nạn nhân bên trong". Video do nhân chứng ghi lại cho thấy xác Tiba vẫn còn nguyên vẹn.

Trăn gấm là thủ phạm gây ra cái chết cho người phụ nữ Indonesia.
Trăn gấm là thủ phạm gây ra cái chết cho người phụ nữ Indonesia.

Trăn tấn công người như thế nào?

Con trăn ở Sulawesi được cho là trăn gấm. Chúng có thể đạt chiều dài hơn 10 mét và rất khỏe. Chúng tấn công bằng cách rình mồi, quấn chặt cơ thể quanh con mồi và siết chặt hơn khi nạn nhân thở ra. Trăn gấm làm con mồi chết do ngạt thở hoặc ngưng tim chỉ trong vài phút.

Trăn gấm nuốt chửng toàn bộ thức ăn. Hai hàm của chúng được nối với nhau bởi những dây chằng rất linh hoạt, cho phép chúng ngoạm con mồi lớn. Khi ăn thịt người, "yếu tố cản trở chúng là xương vai người bởi xương vai không thể vỡ vụn", Mary-Ruth Low, cán bộ bảo tồn và nghiên cứu của tổ chức Wildlife Reserves Singapore, chuyên gia về trăn gấm, giải thích.

Trăn gấm có ăn những động vật lớn khác?

Theo Low, trăn hầu như chỉ ăn động vật có vú, dù đôi khi chúng cũng ăn bò sát, bao gồm cá sấu. Thông thường, chúng ăn chuột và những động vật nhỏ khác, nhưng khi đạt tới kích thước nhất định, chúng gần như không còn chú tâm săn chuột nữa vì lượng calo quá ít ỏi. Chúng có thể ăn con mồi lớn như lợn hoặc thậm chí cả bò.

Đôi khi, trăn có thể chọn nhầm con mồi to quá khổ. Năm 2005, một con trăn Miến Điện cố gắng nuốt chửng toàn bộ cơ thể cá sấu ở bang Florida, Mỹ. Nó vỡ bụng trong quá trình ăn và cả hai con vật đều chết. Các bảo vệ sau đó tìm thấy xác chúng. Nhưng loài săn mồi cơ hội này cũng có thể khá kén ăn. Nếu không gặp con mồi phù hợp, chúng có thể nhịn ăn trong thời gian dài cho đến khi tìm được mục tiêu đủ lớn.

Các vụ trăn tấn công người khác

Hồi tháng 3 năm ngoái, một nông dân cũng ở Sulawesi bị trăn dài 7 mét nuốt chửng. Người đàn ông 25 tuổi đến từ tây Sulawesi bị tấn công khi ở đồn điền dầu cọ gần làng của anh. Trong tai nạn khác xảy ra ở tỉnh Sumatra cuối năm ngoái, nạn nhân vật lộn với con trăn dài 7,8 mét sau khi bị tấn công trong đồn điền và may mắn sống sót với nhiều vết thương nặng.

Nhà nhân chủng học Thomas Headland, người dành hàng thập kỷ ở cùng Agta, tộc người săn bắt - hái lượm ở Philippines, cho biết hơn 1/4 đàn ông trong bộ lạc từng bị trăn gấm tấn công. Dù hầu hết họ có thể dùng dao rựa để tự vệ, đôi khi vẫn có người Agta trưởng thành bị trăn ăn thịt.

Chuyên gia về loài rắn Nia Kurniawan ở Đại học Brawijaya, Indonesia, chia sẻ trăn rất nhạy cảm với rung động, tiếng ồn và hơi nóng từ ngọn đèn, do đó chúng thường tránh khu dân cư. Khu vườn của nạn nhân Tiba nằm ở chân một vách đá có nhiều hang động, nơi ở của trăn, theo cảnh sát trưởng.

Trăn gấm (Python reticulatus)

Trăn gấm là loài trăn dài nhất thế giới. Cá thể dài nhất trong môi trường nuôi nhốt ở Kansas City, Mỹ, có chiều dài 7,6 mét vào năm 2011, theo sách Kỷ lục Thế giới Guinness.

Trăn gấm thường sống trong rừng rậm, sợ người và hiếm khi lộ diện. Hàng chục loài trăn khác phân bố ở vùng cận sa mạc Sahara, châu Phi, Australia, Nepal, Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Quốc, và Đông Nam Á.

Cập nhật: 28/03/2019 Theo VNE
  • 3,54
  • 2.178