Vì sao ôtô ngày nay hay bị chuột cắn phá?

  •  
  • 1.360

Linh phụ kiện làm từ các loại vật liệu thân thiện với môi trường là thứ hấp dẫn đối với loài gặm nhấm.

Một buổi sáng giữa tháng 1, Tess Klingenstein vặn chìa khóa khởi động chiếc Honda Fit. Nhưng động cơ không chịu lên tiếng. Khi cô thử lại, "tất cả đèn cảnh báo đều sáng". Chiếc xe gần như mới tinh, vì thế người phụ nữ này rất ngạc nhiên.

Xe được đưa vào xưởng. Người thợ mở nắp ca-pô, nhìn vào bên trong và nói: "Cô có chuột này". Klingenstein - một nhà trị liệu ngôn ngữ ở Washington - cho biết loài gặm nhấm đã cắn đứt dây điện và làm hỏng các lọc gió. Cô mất 300 USD sửa chữa. "Anh ấy bảo rằng tôi vẫn còn may", Klingenstein nói.

Chuột vốn thích chui rúc và cắn phá, và xe hơi là nơi trú ẩn lý tưởng vào mùa lạnh. Sự ấm áp và được che chắn thu hút loài động vật này. Ở đó lại có vô số dây và đường ống - sự hấp dẫn không thể chối từ. Những nguy cơ có thể xảy ra là hỏng cầu chì, gây cháy và thậm chí xe bị phá hủy.

Một chiếc Ford Focus không sử dụng suốt mấy tháng và bị chuột cắn phá.
Một chiếc Ford Focus không sử dụng suốt mấy tháng và bị chuột cắn phá. (Ảnh: Morgan Finkelstein).

Không một ai theo dõi và đánh giá hậu quả mà loài chuột gây ra với những chiếc xe hơi. Nhưng các chuyên gia nói rằng vấn đề có thể ngày một nghiêm trọng hơn do khí hậu ngày một nóng lên. Vào mùa thu, chuột đã làm một chiếc sedan ở Manhattan bốc cháy. Chuột cũng phá hoại một loạt xe của sinh viên ở Florida.

Trong vài năm qua, một số tài xế đã nộp đơn kiện các hãng sản xuất ôtô, cáo buộc các loại dây dẫn thân thiện với môi trường ngày nay là thứ hấp dẫn loài gặm nhấm. Hiệp hội ôtô Mỹ (AAA) cảnh báo, rằng xe hơi hiện đại giống như một sự thiết đãi dành cho loài chuột.

Bruce Jenkins, quản lý đội xe dịch vụ thuộc khu vực Trung Đại Tây Dương của AAA, nhận xét: "Chiếc xe hơi của bạn cách đây 20 đến 30 năm không có nhiều dây như thế. Giờ đây, bạn có dây cho mọi thứ. Quá nhiều loại cảm biến, máy tính và mô-đun khác nhau".

Trong khi không có thống kê chính thức, giải pháp tốt nhất có thể là từ một công dân San Diego, David Albin, người tự nhận là "Dave Vua Chuột". 

Cách đây ba năm, Albin là một anh chàng bình thường, làm việc trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và sở hữu một ngôi nhà trong một khu dân cư. Rồi chuột phá hoại những chiếc xe của gia đình anh, gây thiệt hại 2.500 USD cho chiếc Honda Civic của Albin, và 9.300 USD với chiếc Hyundai Sonata của vợ anh. Albin bị ám ảnh với việc ngăn chặn sự phá phách của chuột. Anh giới thiệu phương pháp riêng trên một website và trong một cuốn sách điện tử.

"Dường như cứ mỗi năm lại có thêm nhiều người gặp vấn đề này. Và chuột thì ngày càng tăng", Albin nói.

Dấu vết chuột cắn phá trong chiếc Honda Civic.
Dấu vết chuột cắn phá trong chiếc Honda Civic. (Ảnh: David Albin).

Chuột không phải loài động vật duy nhất có khả năng phá hoại xe hơi. Sóc đất cũng được biết đến với khả năng cắn phá và nạn nhân là các du khách lái xe tới thăm Công viên quốc gia Sequoia và Kings Canyon ở California. Loài chồn cũng từng khiến các hãng xe ở Đức phải nghiên cứu cách tự vệ. Còn chim kền kền lột cao su khỏi ôtô. Một vụ kiện đối với hãng Honda từng tả một con thỏ "vẫn nhấm nháp dây điện khi chiếc xe đang nằm ở đại lý" để sửa chữa.

Tuy nhiên, chuột là thủ phạm chính tại các thành phố như Washington. Khiếu nại gửi lên chính quyền thành phố về loài chuột đã tăng trong những năm gần đây, như ở khu Park View nơi Klingenstein sinh sống. Một số biện pháp được sử dụng để phòng chống, như thùng rác năng lượng mặt trời và đá khô. Nhưng chuột dường như vẫn giành phần thắng.

Chúng đuổi Erica Spencer, một luật sư 35 tuổi, khỏi căn hộ tầng trệt ở Dupont Circle, nơi cô đã trả thêm tiền cho một chỗ đỗ ngoài trời gần một thùng rác đầy thức ăn. Sau khi nhận ra có mùi cháy khét khi đang lái chiếc Ford Explorer 2003, Spencer tìm thấy một ổ chuột dưới nắp ca-pô, được tạo ra từ "một loại tã lót và những miếng vải bông lớn". Thuốc diệt chuột không giúp được gì, các gói trừ sâu bọ với mùi bạc hà cũng vô hiệu. Sau khi bị chuột phá một khoản 3.000 USD, Spencer bỏ cuộc.

Spencer kết luận: "Tôi tự nhận ra rằng mình không thể sống ở nơi có quá nhiều chuột. Tôi có thể dành cho mình một cuộc sống chất lượng hơn". Cô chuyển tới một chung cư cao cấp có bãi đỗ xe, nhưng vẫn giữ chiếc Explorer. Người phụ nữ này nói: "Chúng tôi gọi nó là xe chuột. Về cơ bản, không còn thứ gì nguyên bản trong động cơ".

Một con chuột đã chết dưới nắp ca-pô chiếc xe của Morgan Finkelstein, và những con khác phá hoại xe của bạn trai cô. Người bạn trai - làm chính trị - biết rằng chiếc Ford Focus của anh đã bị chuột phá khi đỗ phía sau nhà suốt vài tháng trong thời gian tranh cử năm 2018. Khi quay về, anh không thể khởi động xe. Sau đó chiếc Focus nằm tại chỗ hơn một năm do xe cẩu không thể đi lọt qua khúc cua hẹp để kéo đi.

Nguyên nhân chính là lớp cách điện làm từ đậu tương của các loại dây dẫn hiện được nhiều hãng ôtô sử dụng. Loại vật liệu này thân thiện với môi trường hơn so với lớp cách điện làm từ các chất dẫn xuất từ dầu.

Các vụ kiện cáo buộc, rằng vật liệu từ đậu tương ngon lành hơn đối với loài gặm nhấm và đó chính là nhược điểm, và rằng bảo hiểm ôtô nên có thêm khoản thiệt hại từ loài động vật này. Bên bị đơn lại cho rằng bảo hiểm không hỗ trợ thiệt hại từ "điều kiện môi trường", và Toyota từng viết trong hồ sơ gửi lên tòa án, rằng "loài gặm nhấm gặm mọi thứ, dù là thứ làm từ đậu tương hay không". Thẩm phán đứng về phía các hãng xe.

Để giúp các tài xế tránh phiền phức tương tự, nhiều sản phẩm được cho là chống chuột được tung ra thị trường. Như hệ thống thảm chống chuột trải dưới gầm xe, hay chiếc bẫy tích hợp đèn LED và sóng "siêu âm" đặt trong khoang máy. Ngoài ra là dầu bạc hà hay băng dính chống chuột được xử lý bằng tiêu cay.

Albin sử dụng đèn tia cực tím soi trong khoang máy để phát hiện dấu vết của chuột.
Albin sử dụng đèn tia cực tím soi trong khoang máy để phát hiện dấu vết của chuột. Vết nước tiểu phát sáng dưới ánh đèn. (Ảnh: David Albin).

Albin, người tự nhận là "Vua chuột", nói rằng đã điên cuồng nghiên cứu mọi cách sau khi chuột phá phách mấy chiếc xe của gia đình anh, thậm chí khiến anh phải dậy kiểm tra bẫy lúc nửa đêm. Sau những lần thử nghiệm và thất bại, Albin tìm ra một phương pháp mà anh cho là hiệu quả.

Những phương pháp Albin đã thực hiện như vào mùa đông, anh để mở nắp ca-pô mỗi đêm và sáng ra lại kiểm tra. Trước đó, anh đặt bẫy gắn bơ lạc trong khoang máy, và đôi khi phía trên lốp xe. Albin còn xịt tinh dầu bạc hà khắp khoang động cơ, hoặc đặt đèn sáng cả đêm, vì chuột thường thích bóng tối. Cách tốt nhất là đặt một bức tượng chim cú gần đó, nhưng anh cũng cảnh báo là lũ chuột sẽ nhanh chóng nhận ra sự giả mạo.

Andre - cũng làm việc trong lĩnh vực chính trị - tin rằng chuột đang tăng nhân khẩu trong chiếc Honda Civic hybrid của anh. Một ngày cuối 2016, Andre thức dậy vào sáng sớm với "tinh thần sảng khoái" với một kế hoạch rõ ràng.

Nhưng xe không nổ máy, và nắp ca-pô được mở lên. "Ở đó, chỗ động cơ, là con chuột lớn nhất tôi từng thấy. Nó rất to, trông như đang có thai", Andre kể. Chiếc xe phải sửa mất 7.000 USD.

Andre nói rằng anh vui mừng vì không tìm thấy con chuột con nào và không phải trục xuất cả một gia đình chuột. "Có thể mọi thứ sẽ còn kinh khủng và tệ hơn nữa", anh nói.

Cập nhật: 14/02/2020 Theo VnExpress
  • 1.360