Orville Wright và Henry Ford |
Từ năm 1910 tại nhà máy xe hơi Highland Park, Henry Ford và các chuyên viên nghiên cứu về hiệu năng, mỗi ngày khảo sát các phương pháp mới để làm gia tăng sức sản xuất và các công việc cải tiến kéo dài trong 17 năm trường. Châm ngôn của ông Ford là "Mọi thứ luôn luôn có thể trở thành tốt đẹp hơn là theo cách đang làm". Trong phương pháp lắp ráp theo thảm chuyền, việc căn thời gian và phối hợp các động tác rất quan trọng. Thảm chuyền đưa các bộ phận tới chỗ làm việc của công nhân và mỗi người làm một số công việc đặc biệt, chẳng hạn như vặn một số con ốc, gắn thêm một vài bộ phận. Hệ thống mới này đã làm giảm thời giờ lắp một xe hơi từ 12.5 giờ công vào năm 1912 xuống còn 1 giờ 15 phút vào năm 1914. Cũng vào cuối năm này, 13,000 thợ của Công Ty Ford đã làm ra 260,720 xe hơi so với các công ty khác cần tới 66,350 thợ để sản xuất 286,770 xe hơi.
Nhiều người đã chỉ trích ông Henry Ford là đã biến người công nhân thành các máy móc tự động không biết suy nghĩ, bởi vì người thợ không còn cần tới năng khiếu về cơ khí như trước kia và phương pháp dây chuyền đã lấy kỹ năng ra khỏi công việc làm. Nhưng Henry Ford đã trả lời rằng các kỹ năng cao (skills) được dùng tại các giai đoạn trù liệu, quản trị và sản xuất các bộ phận và kết quả là người thợ dù không có kỹ năng vẫn dùng được các kỹ năng đó.
Vào giai đoạn đầu của thế kỷ 20, phần lớn công nhân là những người mới di cư, không có tay nghề, thường làm việc 9 giờ một ngày với lương ngày là 2.38 mỹ kim. Do khả năng kém của công nhân, số người bị từ chối sau thời gian thử việc lên rất cao. Vào năm 1913, Công Ty Ford phải chọn lựa 963 người để có 100 công nhân trong sổ lương. Muốn duy trì số lượng 13,000 công nhân cho các nhà máy, Henry Ford phải liên tục tiêu tiền vào việc huấn luyện kỹ thuật ngắn hạn. Ngoài ra, Công Ty Ford còn khởi đầu chương trình thêm tiền tặng (bonuses), có bảo hiểm y tế, nhà máy có sân chơi banh cho công nhân và vườn cảnh cho gia đình của họ.
Ngày 5-1-1914, Henry Ford tuyên bố mức lương tối thiểu của công nhân là 5 mỹ kim một ngày làm việc 8 giờ, ngoài ra còn có chương trình chia lời. Ông Henry Ford được nhiều thành phố ca ngợi là người bạn của công nhân, một người xã hội cởi mở. Nhưng các nhà doanh nghiệp khác, kể cả một số cổ đông của Công Ty Ford, lại coi ông Ford là người sẽ đưa công ty tới phá sản và cách giải quyết của ông Ford là vô trách nhiệm. Thực ra, ông Ford đã nhận ra yếu tố nhân sự trong phương pháp sản xuất hàng loạt, bởi vì một lực lượng lao động vui vẻ sẽ dẫn tới mức sản xuất cao hơn. Từ năm 1914 tới năm 1916, lợi tức của Công Ty Ford đã gia tăng từ 30 triệu lên tới 60 triệu, không những thế, mức lương mới của công nhân Công Ty Ford đã khiến cho chính giới công nhân trở thành khách hàng mua xe hơi của công ty.
Sự thành công của xe hơi Ford kiểu T đã ảnh hưởng tới các phạm vi xã hội, kinh tế và văn hóa và ông Henry Ford được coi như một thứ anh hùng. Về phần chính ông, Henry Ford chưa mãn nguyện. Ngay trước khi Hoa Kỳ tham dự vào cuộc Thế Chiến I, ông Henry Ford đã cùng với 170 người khác, thuê bao chiếc tầu "Hòa Bình" qua nước Pháp mà không có sự cho phép của chính phủ Hoa Kỳ, với ý định ngây thơ là ngăn cản chiến tranh. Năm 1918, ông Henry Ford ra tranh chức Thượng Nghị Sĩ của Đảng Dân Chủ tại tiểu bang Michigan nhưng rồi mặc dù thất cử, ông Ford còn tiếp tục phát biểu về các vấn đề chính trị. Năm 1919, ông Henry Ford mua tờ báo The Dearborn Independent (báo Độc Lập Dearborn) và tờ báo này đã mang nhiều tai tiếng trong các bài công kích người Do Thái.
---------------------------------------
Trở lại: "Henry Ford người cha của nền kỹ nghệ xe hơi"
Đón đọc: "Bản chất của Henry Ford"