100.000 năm sau chúng ta sẽ thế nào?

  •  
  • 3.968

Những đầu mối nào về nền văn minh hiện tại sẽ được các nhà khảo cổ tìm hiểu trong nhiều thiên niên kỷ tới? Cái gì sẽ vẫn tồn tại và cái gì bị hủy diệt theo thời gian?

100.000 năm sau, các nhà khảo cổ hậu bối sẽ khám phá được gì về nền văn minh hiện tại? Sau chừng ấy năm, chỉ có những tạo tác may mắn nhất mới không bị nghiền nát, tái chế hoặc phân hủy. Cá nhân chúng ta chắc chắn chẳng để lại thứ gì có thể tồn tại lâu đến thế. Để dễ hình dung, hãy quay ngược về quá khứ đúng chừng ấy thời gian. Cách đây 100.000 năm, con người hiện đại xuất hiện ở châu Phi rồi phân bố khắp thế giới. Và hầu hết những gì chúng ta biết về họ chỉ là suy đoán bởi đầu mối duy nhất còn lại là những công cụ đá cùng một ít hóa thạch.

Bạn không thể để lại xương của mình. Còn hóa thạch là những manh mối cực kỳ hiếm, đặc biệt đối với sinh vật sống trên cạn như chúng ta. Theo chuyên gia cổ sinh học Kay Behrensmeyer thuộc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Mỹ, may mắn nhất sẽ là sự hình thành những hóa thạch tức thời” khi động vật chết trong ao hồ, đầm lầy theo mùa giàu can xi hay trong các hang động. Trong hai trường hợp đó, xương có thể hóa khoáng đủ nhanh để việc hóa thạch chiến thắng trong cuộc đua chống phân hủy.

Chúng ta sẽ để lại laptop và tách cà phê cho hậu duệ?
Chúng ta sẽ để lại laptop và tách cà phê cho hậu duệ?

Những người săn hóa thạch tương lai sẽ không tìm kiếm chúng ta tại các nghĩa trang vì thi thể chôn ở đó sẽ biến thành tro bụi trong vòng vài thế kỷ. Thay vào đó, những bãi xương người phong phú nhất có thể được tìm thấy trong mảnh vụn do thảm họa như tro núi lửa hay trầm tích mịn còn lại sau những cơn sóng thần ở châu Á gần đây. Vài thi thể có thể được ướp trong các bãi than bùn hay vùng sa mạc cao nhưng chúng có thể phân hủy khi điều kiện thay đổi trong khoảng thời gian dài đến 100.000 năm.

Điều kiện thay đổi cũng làm hư hại đầu mối quan trọng khác về nền văn minh của chúng ta: nhà ở. Biến đổi khí hậu và mực nước biển tăng sẽ nhấn chìm các thành phố duyên hải. Trong trường hợp đó, sóng có thể phá hủy một phần các tòa nhà trên mặt đất, nền và thân nhà sẽ nhanh chóng bị trầm tích bồi lấp. Bê tông có thể phân hủy sau nhiều thiên niên kỷ, song các nhà khảo cổ sẽ nhận ra những mẫu hoa văn hình chữ nhật của cát và sỏi - dấu hiệu của thiết kế có mục đích.

Không nơi nào các thiết kế này rõ ràng hơn trong các kiến trúc lớn nhất của chúng ta. Vài tạo tác của nhân loại, chẳng hạn như các hầm mỏ mở, là những đặc điểm địa chất sẽ tồn tại hàng trăm ngàn năm sau như một chứng tích về sức mạnh “dời non lấp bể” của con người. Các đập lớn như Hoover ở Mỹ và Tam Hiệp ở Trung Quốc chứa khối lượng bê tông khổng lồ mà vài mảng trong số chúng có thể tồn tại rất lâu. Vài cấu trúc, đáng kể nhất là khu chứa rác thải hạt nhân Onkalo ở Phần Lan, được thiết kế để tồn tại nguyên vẹn trong 100.000 năm.

Chúng ta cũng đang bận bịu tạo dựng một di sản khổng lồ khác cho giới khảo cổ tương lai: rác. Bãi chôn rác là điểm đến cuối cùng của hầu hết hàng hóa và là nơi lý tưởng để bảo quản lâu dài. Khi đầy, hố chôn rác hiện đại thường được bít bằng một lớp đất sét không thấm nước để rác bên trong nhanh chóng trở nên thiếu ô xy. Theo chuyên gia Jean Bogner thuộc Đại học Illinois (Mỹ), trong điều kiện như thế, thậm chí các vật chất hữu cơ như xơ và gỗ tự nhiên cũng có thể tránh được phân hủy.

Một ít vật liệu sẽ vẫn được bảo quản nguyên vẹn. Đĩa gốm và tách cà phê sẽ tồn tại mãi như mảnh sành của người tiền sử. Một số kim loại như sắt sẽ bị ăn mòn nhanh nhưng titan, thép không gỉ, vàng… sẽ tồn tại lâu hơn nhiều. Thực tế, vỏ máy tính xách tay bằng titan có thể là một trong những tạo tác tồn tại lâu nhất của nền văn minh chúng ta. Biết đâu, các học giả tương lai lại xây dựng các thuyết phức tạp về tập quán tôn giáo dựa trên máy tính bảng rỗng và hình trái táo khắc trên bề mặt!

Thực tế là dù cố gắng bảo toàn một di sản cho các thế hệ tương lai đến mức nào đi chăng nữa, chúng ta có thể không bao giờ biết khía cạnh nào trong nền văn minh hiện tại sẽ gây hứng thú cho các hậu duệ.

Theo Thanh Niên
  • 3.968