100 năm ngày sinh ‘mẹ đẻ’ ngôn ngữ COBOL

  •  
  • 268

Với phần lớn những người đang làm việc trong lĩnh vực CNTT, COBOL (Common Business-Oriented Language) đã thuộc về quá khứ. Tuy nhiên, nữ tác giả của ngôn ngữ lập trình này có lẽ rất hạnh phúc khi biết rằng nó vẫn là hạt nhân của vô số phần mềm giao dịch thương mại.

Grace Hopper được mệnh danh là “mẹ đẻ của COBOL” với những đóng góp lớn cả về lý thuyết và thực tế trong ngôn ngữ lập trình. Bà đã tạo nên bước ngoặt quan trọng trong ngành CNTT khi tìm ra phương pháp biên dịch trong kỷ nguyên mà người ta chỉ biết đến chương trình máy tính được thực thi bằng phương pháp thông dịch theo từng dòng tại một thời điểm.

Grace Hopper (9/12/1906 - 1/1/1992).

Hopper theo học ngành Toán và Vật lý tại Đại học Yale (Mỹ) và giảng dạy ở trường Cao đẳng Vassar trước khi gia nhập hải quân năm 1943. Tại đó, bà trở thành một trong những lập trình viên máy tính đầu tiên trên thế giới khi có cơ hội làm việc với một trong số các hệ thống máy tính được ra đời sớm nhất trong lịch sử: Havard Mark 1.

Bà tiếp tục tiếp xúc với Havard Mark 2 cho đến năm 1949 rồi chuyển sang một công ty khác và làm việc trên hệ thống Univac 1, nơi bà bắt đầu phát triển hệ thống biên dịch. Sau đó Hopper quay lại Hải quân Mỹ và chính tại đây, COBOL ra đời dựa trên ý tưởng rằng phần mềm nên được viết bằng các dòng lệnh dễ hiểu thay vì những chuỗi hàm và con số. Nhờ đó, ngay cả doanh nhân cũng có thể viết được phần mềm mà họ cần.

Hiện nay, COBOL vẫn tiếp tục được sử dụng trong ứng dụng quản lý doanh nghiệp”, Jullian Dobbins, Giám đốc sản xuất của Micro Focus, một trong những công ty hỗ trợ COBOL tại Mỹ, cho biết. “Theo số liệu của hãng nghiên cứu Gartner, 75% các giao dịch thương mại đang được thực hiện nhờ những dòng lệnh COBOL, chẳng hạn như trong phần mềm máy rút tiền ATM. COBOL hoạt động rất hiệu quả vì nó dễ kiếm soát lỗi mỗi khi có sự cố”.

Ngày nay, các ngôn ngữ lập trình hiện đại như C/C++ đang dần thay thế COBOL bởi nó không còn phù hợp với những hướng phát triển mới như dịch vụ web (web service) hay kiến trúc hướng dịch vụ (SOA).

Theo CNet, VnExpress
  • 268