2 siêu Trái đất và 1 "bóng ma hành tinh" sống được ở cực gần chúng ta

  •   44
  • 6.183

Theo nhóm nghiên cứu từ Đại học Hertfordshire, Đại học Open và Đại học Queen Mary (Anh), 2 siêu Trái đất GJ 887b và GJ 887c nằm sát rìa của cái gọi là "vùng sự sống" của sao mẹ, tức khu vực có khoảng cách vừa đủ để nhận được nhiệt độ phù hợp cho sự sống và giữ nước ở trạng thái lỏng. Lấy ví dụ, Trái đất là hành tinh nằm vừa vặn ở trung tâm vùng sự sống của Mặt Trời.

Tuy nhiên, vì nằm sát rìa nên 2 hành tinh này đều khá nóng. Hành tinh có triển vọng có sự sống cao hơn là GJ 887c, với nhiệt độ bề mặt khoảng 70 độ C và quay quanh sao mẹ mỗi 21,8 ngày.


Hệ hành tinh đặc biệt với 2 siêu Trái đất quay quanh sao lùn đỏ - (ảnh đồ họa từ Marl Garlick).

Nhiệt độ này có thể khó sống với hầu hết sinh vật Trái đất, nhưng không loại trừ các dạng sống ngoài hành tinh đặc biệt. Ngay cả ở hành tinh chúng ta, nhiều sinh vật bậc thấp đã từng được tìm thấy ở các điều kiện không hề phù hợp với sự sống: quá nóng, quá lạnh, không có dưỡng khí, ánh sáng....

GJ 887b nằm gần sao mẹ hơn nên sẽ nóng hơn, quay quanh sao mẹ mỗi 9,3 ngày.

Gọi là siêu Trái đất bởi chúng đều là những hành tinh đá cùng loại với Trái đất, nhưng có kích thước lớn hơn nhiều.

Sao lùn đỏ Gliese 887 chỉ bằng nửa Mặt Trời, là loại sao có năng lượng kém hơn nhiều nên vùng sự sống của nó cũng nằm gần sao mẹ hơn vùng sự sống của Hệ Mặt Trời. Nằm cách Trái đất chỉ 11 năm ánh sáng, đây là một trong những sao lùn đỏ sáng nhất trên bầu trời của chúng ta.

Nhóm tác giả còn phát hiện một tín hiệu hành tinh thứ 3, nhưng chưa xác định cụ thể. Nếu họ không lầm, "bóng ma hành tinh" này cũng là một phiên bản của Trái đất, quay quanh sao mẹ mỗi 51 ngày và có khí hậu ôn đới.

Các hành tinh được phát hiện nhờ một công cụ đặc biệt đặt ở Đài Thiên văn Nam Âu, đặt tại La Silla - Chile. Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Science.

Cập nhật: 27/06/2020 Theo NLĐ
  • 44
  • 6.183