Các tín đồ ăn cay có lẽ sẽ thích thú khi biết có 12 lợi ích của việc này

Lợi ích của việc ăn cay
  •  
  • 5.120

Khi chúng ta bị ốm, bác sĩ luôn khuyên rằng nên ăn một số đồ thanh đạm, tránh ăn đồ cay nóng kích thích dạ dày. Do vậy, không biết từ khi nào mà mọi người coi những đồ cay là thực phẩm không lành mạnh.

Thực ra điều này không hoàn toàn chính xác, chỉ cần ăn một lượng cay vừa đủ thì không hề có hại cho sức khỏe, ngược lại còn có những lợi ích không ngờ!

1. Tăng cảm giác thèm ăn

Đồ cay vừa có thể kích thích dạ dày, có thể cải thiện cảm giác chán ăn của bạn.
Đồ cay vừa có thể kích thích dạ dày, có thể cải thiện cảm giác chán ăn của bạn.

Nếu bạn bỗng nhiên cảm thấy chán ăn, ăn gì cũng không thấy ngon thì nên thử một số thực phẩm cay. Đồ cay vừa có thể kích thích dạ dày, lại cũng có thể kích thích khoang miệng, nâng cao khả năng tiêu hoá, tăng khả năng co bóp dạ dày. Do vậy, đồ cay có thể cải thiện cảm giác chán ăn và thúc đẩy quá trình tiêu hoá của bạn.

2. Tăng quá trình lưu thông máu

Theo góc độ Đông y, ớt có tác dụng làm ấm người xua tan hàn khí, nếu dùng một lượng thích hợp thì sẽ có ích trong việc bành trướng mạch máu, từ đó thúc đẩy lưu thông máu đến các bộ phận trên cơ thể. Do vậy, đồ ăn cay có thể thúc đẩy sự lưu thông và tuần hoàn máu.

3. Giúp giảm béo

Chất cay trong ớt có tác dụng phân giải chất béo, đồng thời tăng khả năng tiêu hoá của dạ dày, đốt cháy những mỡ thừa tích tụ trong cơ thể. Do vậy, ớt cũng là một nguyên liệu rất tốt dùng cho giảm cân.

Ớt có khả năng thúc đẩy tuần hoàn máu, có tác dụng xua tan hàn khí làm ấm cơ thể.
Ớt có khả năng thúc đẩy tuần hoàn máu, có tác dụng xua tan hàn khí làm ấm cơ thể.

4. Làm ấm cơ thể

Như vừa nói, ớt có khả năng thúc đẩy tuần hoàn máu, do vậy nó cũng có tác dụng xua tan hàn khí làm ấm cơ thể. Khi cơ thể chúng ta bắt buộc phải ở một nơi lạnh giá, có thể ăn nhiều ớt hơn để làm ấm cơ thể.

5. Giải cảm cúm do bị lạnh

Ớt còn có một tác dụng rất tốt, đó là làm loãng chất dịch ở khoang mũi. Khi chúng ta bị cảm lạnh, triệu chứng thường gặp sẽ là ngạt mũi hoặc chảy nước mũi. Lúc này chúng ta có thể ăn ớt để làm thông mũi, khiến cho hô hấp được thoải mái hơn, đồng thời khiến cơ thể ra mồ hôi, giúp xua tan cái lạnh trong người, từ đó nhanh hết cảm cúm.

6. Chống bệnh sỏi mật

Trong ớt có thành phần vitamin C phong phú, nó có tác dụng giúp cholesterol chuyển hoá thành dịch mật, ngăn cản sỏi ngưng tụ ở trong túi mật. Bên cạnh đó, những người đã bị sỏi mật cũng có thể căn cứ vào bệnh tình của mình để ăn cay hợp lí, từ đó có thể đem lại một số hiệu quả trị liệu tích cực.

7. Bảo vệ tim mạch

Ớt cay nóng có tác dụng phân giải các chất béo, do đó cũng có thể góp phần giảm lượng mỡ trong máu, đồng thời cũng chống nguy cơ bị đột quỵ, trì hoãn hiện tượng xơ vữa động mạch.

Ớt cay chỉ có tác dụng thúc đẩy quá trình tiết ra hormone, cải thiện làn da
Ớt cay chỉ có tác dụng thúc đẩy quá trình tiết ra hormone, cải thiện làn da.

8. Cải thiện làn da

Rất nhiều người yêu cái đẹp đều nói rằng không nên ăn cay, nguyên nhân do sau khi ăn cay sẽ dẫn đến nổi mụn. Thực ra đây hoàn toàn là do cơ địa của từng người. Ớt cay chỉ có tác dụng thúc đẩy quá trình tiết ra hormone, cải thiện làn da. Bên cạnh đó, vitamin C có trong ớt còn có tác dụng chống lão hoá. Do vậy đây cũng có thể coi là một món ăn giúp đẹp da!

9. Giúp giảm viêm trong ruột

Theo bà Amy Shapiro, chuyên gia dinh dưỡng, người sáng lập Real Nutrition, tổ chức tư vấn dinh dưỡng tư nhân, nhiều người nghĩ thức ăn cay gây ra đau dạ dày. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy capsaicin thực sự có thể làm tăng lưu lượng máu đến đường tiêu hóa và ngăn ngừa sự hình thành các vết loét.

Nghiên cứu năm 2006 cho thấy capsaicin có thể làm tăng lưu lượng máu đến niêm mạc của đường tiêu hóa và bảo vệ nó khỏi bị hư hại.

Ashlee Wright, chuyên gia dinh dưỡng tại tổ chức chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận Orlando Health, cho biết thực phẩm cay cũng có thể hoạt động như chất chống oxy hóa, giảm viêm và hỗ trợ quá trình tiêu hóa bằng cách chống lại vi khuẩn có hại.

Theo bà Shapiro, lợi ích này đặc biệt hữu ích cho những ai bị mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng.

10.  Tăng tuổi thọ

Nghiên cứu lớn về dân số năm 2015 ở người trưởng thành tại Trung Quốc cho thấy người tiêu thụ thức ăn cay gần như mỗi ngày có nguy cơ tử vong sớm thấp hơn 14% so với người tiêu thụ một lần mỗi tuần.

"Điều này có thể là do tác dụng chống viêm của nó, cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm béo phì", bà Shapiro nói. Ngoài ra, nghiên cứu năm 2017 từ Đại học Vermont cũng cho thấy phát hiện tương tự về tuổi thọ ở Mỹ, theo bà Wright.

 Thực phẩm cay cũng có thể hoạt động như chất chống oxy hóa, giảm viêm.
 Thực phẩm cay cũng có thể hoạt động như chất chống oxy hóa, giảm viêm.

Nhưng nhìn chung, điều quan trọng cần nhớ là thức ăn cay không phải “chiếc đũa thần” cho sức khỏe. Vì thế, việc ăn cay nên kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và thói quen tập thể dục nhất quán.

Bà Wright cho biết: “Các yếu tố lối sống khác cần được xem xét. Thêm thức ăn hoặc thành phần cay vào chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng sẽ là cách tốt nhất”.

11.  Giúp giảm đau

Ăn thức ăn cay không chỉ cải thiện sức khỏe, bôi các loại kem có gốc capsaicin cũng có thể giúp giảm đau. Bà Shapiro nói: “Các dạng capsaicin bôi trực tiếp có thể giảm cảm giác đau do tổn thương dây thần kinh hoặc các tình trạng da khác”.

Nghiên cứu năm 2011 cho thấy miếng dán 60 phút chứa nồng độ cao capsaicin (8%) giúp giảm đau hiệu quả ở những bệnh nhân bị đau dây thần kinh trong tối đa 12 tuần. Capsaicin cũng có hiệu quả giảm đau do bong gân, chấn thương cơ, đau cơ xơ hóa hay viêm khớp.

Kem dưỡng da có chứa capsaicin không kê đơn được bán tại hầu hết hiệu thuốc hoặc bạn có thể liên hệ với bác sĩ về việc kê đơn kem thoa chứa capsaicin.

12.  Tăng cường trao đổi chất

Bà Shapiro cho biết thực phẩm cay có thể thúc đẩy sự trao đổi chất bằng cách tăng nhịp tim và sinh nhiệt trong cơ thể, khiến bạn đốt cháy nhiều calo hơn.

Trao đổi chất là quá trình cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Sự trao đổi chất càng nhanh, chúng ta càng đốt cháy nhiều calo và có thể ăn nhiều thức ăn hơn mà không bị tăng cân.

Hợp chất hóa học cay capsaicin trong ớt mang lại nhiều lợi ích cho việc trao đổi chất. Trên thực tế, đánh giá năm 2012 về 20 nghiên cứu phát hiện ra capsaicin giúp cơ thể đốt cháy thêm khoảng 50 calo mỗi ngày.

Đánh giá cũng cho thấy capsaicin có thể hoạt động như chất ức chế sự thèm ăn, khiến bạn cảm thấy no hơn và tiêu thụ ít calo hơn. Tuy nhiên, các nguồn thực phẩm chứa capsaicin có thể không đủ để mang đến đầy đủ lợi ích này. Ví dụ, nghiên cứu khác cho thấy việc bổ sung 6 mg capsaicin mỗi ngày có liên quan đến việc giảm béo.

Shapiro nói: “Mặc dù rắc gia vị lên món salad trong bữa ăn sẽ không làm cân nặng giảm đi, sử dụng thường xuyên các loại gia vị trong lượng ăn hàng ngày có thể làm tăng sự trao đổi chất”.

Tuy nhiên, mỗi người đều có khẩu vị khác nhau. Có người không thích hoặc thậm chí không thể ăn cay, chỉ ăn một chút hạt tiêu thôi cũng có thể “mặt nhăn mày nhó”. Do vậy, nên cân nhắc đến khẩu vị của bản thân mà ăn một lượng cay vừa đủ để có lợi cho sức khỏe.

Cập nhật: 15/07/2024 Theo helino/Zing
  • 5.120