365 năm trước khi về quê tránh dịch, Newton đã tạo ra những thành tựu khổng lồ gì cho khoa học?

  •  
  • 3.050

Một biến cố nổi tiếng tương tự dịch bệnh Covid-19 đã xảy ra vào mùa xuân năm 1665 ở nước Anh, khiến 1/10 dân số London "biến mất" trong vòng chưa đầy 3 tháng.

Trong lịch sử loài người, đã xuất hiện nhiều loại virus nguy hiểm như Nipah, Hendra, Ebola, Marburg v.v... Trong số đó, virus Ebola có thể khiến 25% đến 90% người nhiễm bệnh tử vong, tỷ lệ trung bình là 50%, đây là một tỷ lệ rất cao. Mặc dù, tỷ lệ tử vong do virus corona gây ra không cao như vậy nhưng tốc độ lây lan của chủng virus này rất nhanh và có sức đe dọa rất lớn đến sức khỏe con người.

Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều kêu gọi người dân cách ly ở trong nhà, hạn chế ra ngoài như một trong những biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của corona.

Isaac Newton
Trong thời gian về quê tránh dịch, Newton đã thực hiện những nghiên cứu mang tính bước ngoặt trong một số lĩnh vực.

Đáng chú ý, cách đây tròn 365 năm, một biến cố nổi tiếng tương tự đã xảy ra vào mùa xuân năm 1665. Một bệnh dịch khủng khiếp đã bùng phát ở London, chuột truyền mầm bệnh cho con người và gây ra căn bệnh lạ gọi là bệnh dịch hạch. Căn bệnh đã khiến dân số của khu vực London đột nhiên giảm 1/10 trong vòng chưa đầy ba tháng.

Sự nguy hiểm của dịch bệnh đã khiến nhiều trường đại học tại Anh phải đóng cửa. Vào thời điểm đó, Đại học Cambridge tuyên bố đóng cửa để ngăn chặn sự lây nhiễm, tất cả giáo viên và sinh viên được trở về nhà và cậu sinh viên Isaac Newton đã trở về quê mẹ ở Woolsthorpe (Anh).

Có thể nói, trong cuộc đời Newton, điều bí ẩn nhất và thú vị nhất đã xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 7/1665 đến cuối năm 1666. Trong thời gian này, ông đã thực hiện những nghiên cứu mang tính bước ngoặt trong một số lĩnh vực và những phát hiện này đã trở thành xương sống trong toàn bộ thành quả nghiên cứu của ông trong hơn nửa thế kỷ về sau.

Năm mươi năm sau, nhìn lại quãng thời gian này, ông cho biết: "Tất cả những điều này xảy ra trong trận dịch kéo dài hai năm 1665-1966. Trong thời gian đó, tôi đang ở thời kỳ hoàng kim của sự nghiệp nghiên cứu và chú tâm vào toán học, triết học hơn bất cứ thời gian nào sau đó".

Tất nhiên, điều này cũng có thể được coi là kết quả tự nhiên từ những nỗ lực không ngừng của Newton. Môi trường thư thái của Woolthorpe cho phép ông có nhiều tự do hơn để theo đuổi nghiên cứu. Điểm rõ ràng là trong giai đoạn này, Newton đã tạo nền tảng cho nghiên cứu tương lai của mình, thậm chí một số tác phẩm không được công bố cho đến 30 năm sau.

Chính trong khoảng thời gian tránh dịch này, ông đã tập trung và tạo ra thành quả đáng nể ở ba lĩnh vực gồm Toán học - phát triển định lý nhị thức, giải tích; Vật lý - định luật vạn vật hấp dẫn và Quang học - tán sắc ánh sáng.

Sau đó, bệnh dịch chấm dứt, Newton trở lại Cambridge vào năm 1667 và sự nghiệp của ông bắt đầu khởi sắc.

Thực tế, vào thời điểm mới trở lại trường học, Isaac Newton chỉ là một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, chưa bao giờ công bố kết quả nghiên cứu và không có tiếng tăm. Tuy nhiên, những gì ông phát hiện và nghiên cứu trong thời gian ở Woolsthorpe đã đủ để đưa ông trở thành một trong những người khổng lồ về tư tưởng khoa học.

Thời gian tiếp theo, vào năm 1668, ông nhận bằng thạc sĩ và được bầu làm nhà nghiên cứu cao cấp. Năm 1669, Giáo sư toán học Isaac Barrow từ chức và Newton được bổ nhiệm làm người thay thế, bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu rực rỡ...

Cho đến năm 1689, Newton gần như ở lại Đại học Cambridge miệt mài nghiên cứu, mang lại thành tựu cho rất nhiều lĩnh vực và chúng đều có ảnh hưởng mạnh mẽ cho đến tận ngày nay.

Không chỉ Newton, William Shakespeare cũng viết King Lear trong thời dịch

William Shakespeare
Trong thời gian tự cách ly một năm, Shakespeare đã khai sinh ba vở kịch để đời.

William Shakespeare sinh ra ở thời điểm khó khăn cho một em bé. Ở Anh thế kỷ 16, Shakespeare được coi là may mắn khi đạt đến tuổi trưởng thành trong nỗi đe dọa thường trực của bệnh dịch và y học thì đang vật lộn để tìm phương pháp điều trị (đáng buồn là anh chị em của ông không được may mắn như thế).

Đến thời vua James I, Shakespeare đã trở thành nhà viết kịch hàng đầu, nhưng vì bệnh dịch, các nhà hát ở London đóng cửa thường xuyên hơn là mở. Lý do là những quan chức Luân Đôn thời bấy giờ lo lắng rằng đám đông những người theo chủ nghĩa tự do và giáo dân tập trung lại để "xem các vở kịch" sẽ “quấy rầy lẫn nhau trong những căn phòng nhỏ", "theo đó, sự lây nhiễm khủng khiếp của bệnh dịch, hoặc một số bệnh truyền nhiễm khác, có thể tăng lên, đe dọa sự thịnh vượng chung của thành phố này".

Khi bệnh dịch buộc các rạp hát đóng cửa vào năm 1606, Shakespeare vẫn làm việc. Học giả James Shapir chuyên nghiên cứu về Shakespeare cho biết: trong thời gian tự cách ly một năm, Shakespeare đã khai sinh ba vở kịch để đời: King Lear, Macbeth, Antony và Cleopatra.

Chắc chắn rằng, một số vở kịch hay nhất của Shakespeare được sinh ra một phần từ hoàn cảnh hiểm nghèo mà chính ông trải nghiệm trong đại dịch. Sự cô đơn của Vua Lear, điềm báo của Antony và Cleopatra - và chúng ta sẽ ở đâu nếu thiếu thói quen rửa tay ngừa corona virus của Bà Macbeth?

Cập nhật: 31/03/2020 Theo Trí Thức Trẻ/khampha
  • 3.050