8 di sản thế giới mới được UNESCO công nhận

  •  
  • 3.072

Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO được tổ chức tại Baku, Azerbaijan từ ngày 30/6 đến 10/7. Trong phiên họp, 36 trong 42 đề xuất ghi vào Danh sách Di sản Thế giới sẽ được cân nhắc, bao gồm 6 di sản tự nhiên, 28 di sản văn hóa và 2 di sản hỗn hợp (tự nhiên và văn hóa). UNESCO vừa công nhận thêm 4 di sản tự nhiên, 2 di sản văn hóa và 2 di sản hỗn hợp.

Khu bảo tồn chim di cư, Trung Quốc

Khu bảo tồn chim di cư

Khu vực bãi lầy triều bên bờ biển Hoàng Hải, vịnh Bột Hải là môi trường sống của nhiều loài cá và động vật giáp xác. Đây cũng là điểm tập trung của các loài chim di cư trên đường bay Đông Á – Australia. Những đàn chim lớn, bao gồm cả các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, đều đến bờ biển để nghỉ ngơi, thay lông, trú đông và làm tổ.

Rừng Hyrcanian, Iran

Rừng Hyrcanian

Rừng Hyrcanian là khu rừng lá rộng trải dài 850 km dọc theo bờ phía nam biển Caspi. Cách đây khoảng 25 đến 50 triệu năm trước, cánh rừng bao phủ hầu hết khu vực ôn đới ở bắc bán cầu. Sau khi bị thu hẹp trong kỷ băng hà Đệ Tứ, cánh rừng đã mở rộng trở lại khi khí hậu ôn hòa hơn.

Ngày nay, Hyrcanian là môi trường sống của 180 loài chim, 58 loài động vật có vú, bao gồm cả báo Ba Tư và các loài thực vật quý hiếm. Ảnh: Tehran Times.

Vùng đất và biển phương Nam, Pháp

Vùng đất và biển phương nam

Vùng đất và biển phía nam nước Pháp bao gồm các quần đảo Crozet, Kerguelen, Saint-Paul, Amsterdam và 60 hòn đảo ở Nam Cực là một trong 4 di sản thiên nhiên mới được UNESCO công nhận trong buổi làm việc ngày 5/7. Với diện tích hơn 67 triệu ha, khu vực này là nơi những loài chim và động vật có vú tập trung nhiều nhất, đặc biệt là số cá thể chim cánh cụt hoàng đế và hải âu mũi vàng lớn nhất thế giới. Ảnh: Picdeer.

Vườn quốc gia Vatnajökull, Iceland

Vườn quốc gia này rộng tới 1,4 ha - chiếm đến 14% lãnh thổ Iceland. Nơi đây có tới 10 ngọn núi lửa và 8 sông băng, sở hữu tảng băng lớn nhất Vatnajökull và đỉnh núi cao nhất Iceland Hvannadalshnjúkur (2.109 m). Ngoài ra, khu vực này còn sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên hút khách như hồ miệng núi lửa Askjia Caldera, ốc đảo Herðubreið, thác nước Dettifoss, hẻm núi băng Ásbyrgi. Ảnh: Spotlight.

Paraty và Ilha Grande, Brazil

Paraty và Ilha Grande, Brazil

Paraty và Ilha Grande vừa trở thành một di sản hỗn hợp mới của UNESCO nhờ văn hóa và sự đa dạng sinh học. Nằm giữa dãy núi Serra da Bocaina và Đại Tây Dương, Paraty là một trong những thị trấn ven biển được bảo tồn tốt nhất ở Brazil, đồng thời là một trong 5 khu vực đa dạng sinh học quan trọng của thế giới. Đây cũng là môi trường sống của một số loài bị đe dọa như báo đốm, heo môi trắng và khỉ nhện.

Vào cuối thế kỷ 17, Paraty là điểm cuối của Caminho do Ouro, tuyến đường vận chuyển vàng tới châu Âu và cũng là khu vực diễn ra hoạt động mua bán nô lệ châu Phi. Ngày nay, trung tâm văn hóa Paraty vẫn lưu giữ kiến trúc thuộc địa từ thế kỷ 18, 19. Ảnh: Fondos de Pantalla.

Khu vực luyện kim cổ xưa, Burkina Faso

Khu vực luyện kim cổ xưa

Di sản văn hóa thế giới mới của Burkina Faso gồm 5 làng và thị trấn thuộc các tỉnh trên khắp quốc gia châu Phi này. Trong đó, Douroula là bằng chứng lâu đời nhất về sự phát triển nghề luyện kim ở Burkina Faso. Những nơi còn lại là Tiwêga, Yamané, Kindibo và Békuy. Mặc dù ngày nay việc khai thác quặng sắt không còn phổ biến, thợ rèn vẫn giữ vai trò quan trọng trong các nghi lễ truyền thống. Ảnh: Corriere.

Babylon, Iraq

Babylon

Nằm cách thủ đô Baghdad 85 km về phía nam, di sản văn hóa thế giới mới của Iraq là nơi lưu giữ những tàn tích thuộc về kinh đô của Neo-Babylon, một trong những đế chế có ảnh hưởng lớn nhất trong thế giới cổ đại. Phần còn lại của di sản gồm các bức tường, cổng, cung điện, đền thờ của thành phố cổ. Cùng với vườn treo Babylon, di sản đại diện cho sự sáng tạo của đế chế cổ vào thời kỳ đỉnh cao, nơi đã từng là nguồn cảm hứng cho văn hóa nghệ thuật, văn hóa tôn giáo trên thế giới. Ảnh: Daily Star.

Vùng Ohrid, Albania

Vùng Ohrid

Ngoài ra, UNESCO cũng công nhận thêm phần mở rộng ở vùng Ohrid, nằm ở phía Bắc Macedonia (vương quốc cổ đại) là di sản thiên nhiên và văn hoá. Trước đó, một phần của hồ Ohrid và thị trấn cùng tên đã được ghi vào danh sách di sản thế giới năm 1979. Phần mở rộng mới bao gồm một phần phía tây bắc Albania, một phần hồ Ohrid, bán đảo Lin và dải đất dọc theo bờ hồ trải dài tới Macedonia. Bán đảo Lin cũng là nơi lưu giữ tàn tích của nhà thờ một nhà thờ Cơ đốc giáo, xây dựng từ thế kỷ 6. Ảnh: Wanderlust Travel Magazines.

Cập nhật: 17/07/2019 Theo Báo Hải Quan
  • 3.072