Garrett Morgan - Nhà phát minh bị lãng quên

  •  
  • 796

Cuộc sống của những người da đen trong thời kỳ mà nạn phân biệt chủng tộc đè nặng lên xã hội Mỹ không hề dễ dàng, nhưng Garrett Morgan đã vượt qua tất cả để có được những phát minh tiên phong vào đầu thế kỷ 20.

Tuy nhiên, thời điểm đó rất ít người biết đến những thành tựu của ông.

Vượt khó vươn lên

Sinh năm 1877 ở Kentucky (Mỹ), Morgan là con giữa trong một gia đình có đến 11 người con. Dù gia cảnh khó khăn, nhưng ông đã vượt qua rất nhiều trở ngại để vươn lên trong cuộc sống. Sau khi học xong tiểu học, Morgan rời nhà đến Ohio làm phụ hồ cho một người chủ da trắng, sử dụng đồng tiền kiếm được thuê gia sư để tiếp tục con đường học vấn.

Chẳng bao lâu, các nhà máy của Ohio đã thu hút sự chú ý của Morgan. Ông xin được việc trong  một cơ sở sản xuất máy may. Trong thời gian này, ông mày mò tìm hiểu hoạt động của chiếc máy và tìm cách sửa chữa chúng. Nhờ vậy, ông nhận được bằng sáng chế cho chiếc máy may cải tiến và mở doanh nghiệp sửa chữa của riêng mình vào năm 1907.

Thỉnh thoảng những chiếc máy may của ông làm vải bị cháy xém do tốc độ của kim. Để khắc phục khuyết điểm này, Morgan đã thử nghiệm một dung dịch hóa học nhằm giảm độ ma sát tạo ra bởi kim.

Sau khi nhận thấy giải pháp này cũng có tác dụng làm thẳng sợi len, ông đã thử nghiệm nó trên lông chó và điều này dẫn đến việc thành lập Công ty tinh chế tóc GA Morgan, chuyên bán kem ủ tóc cho khách hàng da đen, mang lại lợi nhuận cao.

Sáng tạo mặt nạ phòng hơi độc

Garrett Morgan (1877 – 1963).
Garrett Morgan (1877 – 1963).

Năm 1911, một vụ hỏa hoạn ở nhà máy Triangle Shirtwaist làm chết 150 công nhân ngành may mặc khiến  Morgan nghĩ cách làm thế nào để giảm thương vong trong các vụ cháy.

Biết rằng trong đám cháy, không khí sạch nhất có thể được tìm thấy ở mặt đất, ông tạo ra một chiếc mũ trùm đầu với các ống treo lủng lẳng giúp người mang hít vào không khí trong lành hơn.

Morgan được cấp bằng sáng chế cho mũ trùm an toàn vào năm 1914. Hơn 500 thành phố đã mua sản phẩm này nhưng Morgan nhận thấy việc bán sáng chế của mình khó khăn ở nhiều bang, do ông là người da đen.

Không nản lòng, ông thuê một diễn viên da trắng đóng vai nhà phát minh, còn mình giấu thân phận bên trong một chiếc mũ trùm an toàn, bước vào một căn lều đầy khói để chứng minh hiệu quả của sản phẩm. Ý tưởng này mang lại hiệu quả và ông bán được nhiều sản phẩm.

Năm 1916, một túi khí đốt tự nhiên đã phát nổ tại đường hầm của công trình cấp nước dưới lòng hồ Erie, Cleveland, làm chết nhiều công nhân bị kẹt ở bên trong. Các đội cứu hộ lao vào để cứu, nhưng hơn một nửa trong số họ đã chết vì hơi ngạt.

Cảnh sát Cleveland gọi điện cho Garrett Morgan, và nhà phát minh mang theo mũ trùm an toàn nhiều nhất có thể, lao đến hiện trường. Cùng với anh trai Frank, Morgan vào đường hầm và cứu được hai người, đồng thời vớt lên 4 thi thể, trước khi nỗ lực cứu hộ dừng lại.

Tuy nhiên, ngày hôm sau, các câu chuyện trên trang nhất của tờ New York Times và các tờ báo lớn khác đã không đả động gì đến Morgan. Quản đốc và những người khác được thưởng một khoản tiền mặt lớn, được nhận huy chương và được tán dương trong những bài báo, còn Morgan thì không.

Phải nhiều ngày sau, hành động anh hùng của Morgan mới được giới truyền thông công nhận, nhưng điều này lại “lợi bất cập hại”. Nhiều khách hàng của Morgan, vốn chưa biết về chủng tộc của ông trước khi các câu chuyện lan trên báo, bắt đầu tẩy chay các sản phẩm của ông.

Tuy nhiên, sự thiệt hại này không lớn. Đầu óc nhạy bén và tinh thần làm việc mạnh mẽ đã mang lại cho Garrett Morgan sự ổn định về tài chính để tiếp tục nghiên cứu phát minh.

Cải tiến tín hiệu giao thông

Trong suốt cuộc đời của mình, Morgan đã sáng tạo rất nhiều nhưng được nhận lại quá ít. Tệ phân biệt chủng tộc vào thời đó khiến những nỗ lực của ông không được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, Morgan đã vượt lên tất cả, bằng cách phát minh những thứ để giúp đỡ người khác, cùng những nỗ lực nhân đạo cho cộng đồng của mình.

Mặc dù Garrett Morgan không được cấp bằng sáng chế cho tín hiệu giao thông đầu tiên, nhưng đóng góp của ông tạo một thay đổi lớn trong việc cải tiến các tín hiệu này. Thời đó, trên đường có biển báo cho biết khi nào người lái xe nên dừng lại và khi nào họ nên đi, nhưng Morgan thấy cần phải có thứ gì đó cao cấp hơn.

Một vụ tai nạn vào đầu những năm 1920 đã thúc giục ông nghiên cứu và bổ sung đèn vàng ở giữa đèn xanh và đỏ, cảnh báo người lái xe sắp phải dừng.

Năm 1923, Morgan được cấp bằng sáng chế cho tín hiệu giao thông mới của mình, thu hút sự quan tâm của General Electric, hãng đã đề nghị một khoản tiền hậu hĩnh để mua ý tưởng này. Morgan đã hiến tặng 40.000 USD, tiền bản quyền sáng chế cho các trường đại học của người da đen.

Morgan tham gia NAACP (Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của những người da màu) và thành lập Cleveland Call, một tờ báo của người da đen. Ông cũng mở một câu lạc bộ dành  cho người da đen và hỗ trợ hết mình cho các trường đại học của cộng đồng mình.

Sau cuộc hôn nhân đầu tiên không thành công, vào năm 1908, Morgan kết hôn với Mary Anne Hasek, người Đức, và có với nhau ba người con.

Morgan bắt đầu phát triển bệnh tăng nhãn áp vào năm 1943 và kết quả là mất gần hết thị lực. Nhà phát minh tiên phong đã qua đời ở Cleveland, Ohio, vào ngày 27 tháng 7 năm 1963, ngay trước lễ kỷ niệm 100 năm Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ, một sự kiện mà ông đã chờ đợi.

Ngay trước khi qua đời, Morgan đã được Chính phủ Hoa Kỳ vinh danh vì phát minh tín hiệu giao thông và được khôi phục vị trí trong lịch sử với tư cách là một anh hùng cứu hộ hồ Erie.

Cập nhật: 15/12/2021 Theo GD&TĐ
  • 796