Heo vòi Mã Lai

  •  
  • 2.104

Heo vòi Mã Lai tên khoa học là Tapirus indicus thường sống một mình, hiếm khi thấy chúng sống thành cặp. Loại heo vòi này thich sống ở những nơi rậm rạp và gần nơi có nước. Tuy thân hình có hơi kềnh càng, nhưng chúng lại bơi lội giỏi, có thể ngâm mình trong nước suốt nhiều giờ liền. Ở trong rừng, chúng tự tạo ra những lối đi xuyên qua tầng cây thấp dày đặc và thường xuyên sử dụng các "giao thông hào" đó từ năm này sang năm khác. Dưới những tán lá rậm rạp chúng di chuyển với tốc độ nhanh đáng kể.

Heo vòi Mã Lai có một số đặc điểm gần giống heo nhà: thân to kềnh, chân ngắn, mắt híp, kêu en éc. Nhưng lại khác hẳn với heo nhà ở chỗ: mỗ lứa chỉ đẻ 1 con duy nhất, hiếm lắm mới là 2 con.

Trong khi heo nhà chủ yếu hoạt động vào ban ngày thì heo vòi Mã Lai lại chủ yếu hoạt động về đêm. Con Tapirus indicus thích ăn thực vật dưới nước, chồi non hay trái của thực vật mọc thấp. Chúng rất nhút nhát, hễ có chút gì đe dọa là chạy xuống nước hay lủi vào trong các bụi cây rậm để trốn.

Heo vòi Mã Lai con

Heo vòi Mã Lai có đôi tai dựng đứng, da dày, lông thưa thớt, có một cái vòi nhỏ do môi trên và mũi tạo thành. Màu sắc thì không thể lẫn với con vật nào khác: phía trước và phần chân sau có màu đen, những phần còn lại có màu trắng. Chiều dài cơ thể con đực trưởng thành khoảng 2m; chiều dài đuôi khoảng 7,6cm; cân nặng khoảng 268kg. Răng  nanh dài và rắn chắc. Chúng không đẻ con vào một thời gian nào nhất định trong năm, nhưng luôn mang thai khoảng 400 ngày. Con non có màu sắc khác với màu của những con trưởng thành. Lúc mới sinh, chúng có màu nâu với những dải và đốm trắng nằm dọc theo chiều dài cơ thể. Màu sắc loang lổ sẽ biến mất vào lúc heo vòi non được 6 đến 8 tháng tuổi. Sau 3 tuổi thì chúng đã thực sự trở thành heo vòi trưởng thành.

Heo vòi Mã Lai ngày càng trở nên rất hiếm vì các hoạt động của con người hủy hoại môi trường sống của chúng.

H.T (Theo Thế giới sinh vật lạ)
  • 2.104