Phát hiện 7 loài mèo lạ trong rừng nhiệt đới

  •   3,98
  • 10.562

Các nhà nghiên cứu tìm thấy 7 loài lạ thuộc họ mèo trong một khu vực có diện tích 570 km2 thuộc rừng mưa nhiệt đới Jeypore-Dehing ở Đông bắc bang Assam của Ấn Độ.

Như vậy, khu vực này có độ đa dạng cao nhất thế giới về loài mèo.

Nhà nghiên cứu động vật hoang dã Kashmira Kakati đã nghiên cứu các loài vượn ở Jeypore-Dehing. Sự tò mò về động vật ăn thịt ở đây thôi thúc chị tìm kiếm và theo dõi chúng.

Kakati nói: “Tôi cần tìm hiểu điều gì đó ngoài kia. Không ai có bất kì đầu mối nào. Con người hiện diện trong cánh rừng 30 năm trời mà không hề biết gì”.

Một chú báo lảng vảng dưới tán cây rậm rạp "dính" bẫy chụp ảnh.

Từ năm 2007 đến 2009, với việc đặt 30 bẫy chụp ảnh, Kakati chụp được không nhiều động vật hiếm thuộc họ mèo. Cô hết sức ngạc nhiên trước kết quả thu được.

(*) Rừng mưa nhiệt đới là quần hệ phụ của rừng mưa phân bố ở vùng chí tuyến nóng ẩm có lượng mưa thông thường 1.750mm - 2.000mm trong 1 năm. Một đặc điểm thú vị ở rừng mưa nhiệt đới là độ dày của các tầng lá cây làm trễ cơn mưa tự nhiên rơi xuống đất.

Bộ lông mây

Một loài mèo rừng châu Á quý hiếm.

Trong các bức ảnh từ bẫy camera, có một bức chụp một loài mèo rừng châu Á (tên La tinh là Neofelis nebulosa) rất hiếm. Tên của chúng được đặt theo đặc điểm của bộ lông có hoa văn sặc sỡ.

Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), mèo rừng châu Á được xếp vào tình trạng sắp nguy cấp, có nghĩa là loài này đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao.

Số lượng loài mèo này đang giảm dần, chủ yếu là do mất môi trường sống bởi nạn phá rừng. Kakati cho biết, tại Jeypore-Dehing, chúng rất hiếm được bắt gặp, thậm chí còn không được người dân địa phương đặt tên.

Báo con

Loài mèo rừng này có bộ lông rất giống loài báo.

Có mặt trong một bức ảnh khác là một loài mèo rừng nhỏ có lông đốm như báo (tên La tinh là Felis bengalensis). Theo IUCN, loài này được ghi nhận phổ biến ở châu Á.

Khoảnh khắc vàng

Một chú mèo có bộ lông vàng óng và đôi mắt sáng quắc trong đêm.

Rừng mưa nhiệt đới Jeypore-Dehing cũng là ngôi nhà của loài mèo vàng châu Á có trong danh sách gần tuyệt chủng của IUCN.

Ngoài 7 loài mèo được tìm thấy, các bẫy camera của Kakati còn ghi lại 12 loài động vật ăn thịt khác trong phạm vi Jeypore-Dehing, bao gồm chó rừng Nam Á, gấu mặt trời Mã Lai và một số loài động vật có vú khác như cầy hương.

Mèo rừng

Con mèo rừng này có thể đã phải chạy trốn đến đây từ một khu rừng khác.

Kakati cho biết Jeypore-Dehing bị bao quanh bởi các hoạt động khai thác dầu, than đá, gỗ và săn bắn, là mối đe dọa cho cuộc sống hoang dã. Một số loài động vật, bao gồm mèo rừng trong bức ảnh trên, đã di cư đến Jeypore-Dehing từ các cánh rừng bên cạnh.

Sau lưng chúa sơn lâm

Bẫy camera còn chụp được ảnh một con hổ cái sống trong rừng.

Các bẫy camera đã ghi lại hình ảnh của khoảng 45 loài động vật có vú, bao gồm khỉ, hươu, nhím, lợn rừng và các loài gặm nhấm. Chúng chính là con mồi cho các loài động vật ăn thịt của khu rừng, trong đó có con hổ cái ở bức ảnh trên.

Mặc dù nhiều loài mèo đang gặp nguy hiểm bởi nạn săn bắt trộm để lấy xương và da của chúng nhưng theo Kakati thì người dân ở Jeypore-Dehing không săn các loài này mà chỉ săn hươu và lợn rừng.

Hãy bảo vệ loài thú có đốm

Loài mèo gấm (tên La tinh là Pardofelis marmorata) rất quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Các nhà nghiên cứu hy vọng việc khám phá ra nhiều loài mèo quý hiếm ở Jeypore-Dehing, bao gồm loài mèo gấm gần tuyệt chủng trong ảnh trên, sẽ khuyến khích chính phủ Ấn Độ bảo vệ một khu vực rộng lớn hơn thuộc vùng phía đông Himalaya.

Theo Báo Đất Việt
  • 3,98
  • 10.562