Nếu di chuyển bằng máy bay, bạn có biết ghế ngồi nào là an toàn nhất? Các chuyên gia chỉ ra rằng có một số chỗ trên máy bay có tỷ lệ sống sót cao nhất.
Theo các thống kê được công bố, máy bay là phương tiện vận tải an toàn, có tỷ lệ tai nạn thấp nhất. Tuy nhiên, hậu quả và ảnh hưởng của các vụ tai nạn máy bay thường rất lớn nên mọi tình huống đều phải được tính đến để có các phương án đề phòng.
Vậy nếu sự cố xảy ra, những hành khách ngồi ở vị trí nào có nhiều cơ may thoát nạn nhất? Phải chăng là các ghế ngồi ở khoang hạng thương gia?
Để trả lời câu hỏi “Vị trí nào an toàn nhất trên máy bay?”, các nhà khoa học thuộc Đại học Greenwich (Anh) thực hiện nghiên cứu trên 2.000 hành khách may mắn sống sót trong 105 vụ tai nạn máy bay trên toàn thế giới.
Trong một bài viết đăng hồi cuối tháng 6, tạp chí Time (Mỹ) cho biết thống kê nói trên dựa theo một nghiên cứu về tai nạn máy bay trong 35 năm qua do chính tạp chí này thực hiện.
Hành khách trên một chuyến bay của hãng hàng không China Airlines đang chuẩn bị rời khỏi máy bay - (Ảnh: Hoàng Uy)
Thông qua rà soát dữ liệu về số người chết lẫn sống sót trong các vụ tai nạn máy bay từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Time nhận thấy chỗ ngồi tại phần đuôi máy bay có tỷ lệ tử vong là 31%, so với 44% của chỗ ngồi ở phần thân và 51% của chỗ ngồi ở phần đầu.
Ngoài ra, tạp chí Mỹ còn phát hiện ra rằng những ghế ngồi chính giữa ở phần đuôi máy bay có tỷ lệ tử vong ở mức 28%, thấp nhất so với những vị trí còn lại trong một máy bay.
Chỗ ngồi có tỷ lệ tử vong cao nhất chính là hàng ghế bên hông ở phần thân máy bay, đạt mức 44%, theo Time.
Tuy nhiên, tạp chí Mỹ cũng thận trọng nói thêm rằng khả năng tử vong trong một vụ tai nạn máy bay phụ thuộc vào các tình huống liên quan đến vụ tai nạn nhiều hơn là việc hành khách ngồi ở đâu.
Kết quả của tạp chí Popular Mechanics thống kê: Tỷ lệ sống sót ở các ghế cuối là cao nhất, 69%; ghế giữa là 56% và ghế đầu là 49%.
“Nếu phần đuôi máy bay bị ảnh hưởng nặng nhất khi tình huống xấu xảy ra, thì những người ngồi phần thân hoặc phần đầu có lẽ sẽ an toàn hơn những hành khách ngồi ở phần đuôi”, Time bình luận.
“Chúng tôi nhận thấy các trường hợp sống sót xảy ra ngẫu nhiên trong một số tai nạn; theo đó, những người tử vong ngồi xen lẫn với những người may mắn sống sót. Cũng chính vì lý do này mà FAA và các chuyên gia an toàn hàng không đều cảnh báo rằng không có chỗ ngồi nào là an toàn nhất trên máy bay”, tạp chí Mỹ cho hay. Nguy cơ sống sót trong các tai nạn này hầu như đều bằng 0. Vậy nên mọi vị trí an toàn hoàn toàn được nêu chỉ mang tính chất tương đối.
Dẫu vậy, tạp chí Time cho rằng vẫn có một điều chắc chắn - đó là hàng không là cách thức di chuyển rất an toàn và nó ngày càng trở nên an toàn hơn trong những thập niên gần đây.
“Điều này đặc biệt đúng nếu so với những phương tiện di chuyển khác. Tỷ lệ tử vong khi đi bằng xe là 1/112, đi bộ là 1/700 và đi bằng xe hai bánh là 1/900. Còn đối với máy bay, tỷ lệ này chỉ ở mức 1/8.000”, Time cho biết.
PGS Anthony Brickhouse, Giám đốc Phòng thí nghiệm Pháp y Hàng không của Đại học Hàng không Embry-Riddle, Daytona Beach (Mỹ) và các chuyên gia trong ngành hàng không khuyên hành khách nên tập trung nhiều hơn vào hướng dẫn an toàn bay của các hãng hàng không. Ông nhận thấy hầu hết hành khách, đặc biệt là những người đi máy bay thường xuyên, sẽ không để ý đến những nội dung này.
Trước khi bay, tiếp viên hàng không thường xuyên nhắc hành khách thắt dây an toàn khi ngồi và tìm lối thoát hiểm gần chỗ ngồi nhất nếu gặp sự cố. Tuy nhiên, ông Brickhouse nhận thấy khi có sự cố, nhiều hành khách có xu hướng chạy về phía cửa thoát hiểm trước máy bay thay vì tìm cửa gần nhất.
"Về mặt tâm lý, con người thích rời khỏi máy bay theo lối mà họ đã đi vào. Chúng ta cần cảnh giác, chú ý và nhận thức được điều gì đang xảy ra", PGS phân tích.
Thêm một mẹo khác khi thoát hiểm là đếm số hàng để đến lối thoát hiểm gần nhất. Giáo sư Graham Braithwaite tại Đại học Cranfield (Anh) cho biết ông để ý một số hãng hàng không đề nghị khách hàng chủ động đếm số hàng để ra lối thoát hiểm, ngay cả khi lối thoát hiểm nằm ngay sau chỗ ngồi.
Lý giải cho điều này, giáo sư kể lại vụ cháy máy bay của hãng British Airtours ở sân bay Manchester (Anh) vào năm 1985. Khi đó, hành khách cuối cùng thoát khỏi vụ cháy cho biết anh luôn đếm các hàng ghế cho đến lối ra gần nhất. Khi khói tràn vào khoang máy bay, thói quen này đã giúp anh tìm được lối thoát hiểm và an toàn rời khỏi máy bay.
Khi đi du lịch, ông Braithwaite thích ngồi ở vị trí cạnh lối đi và gần lối thoát hiểm. Trong quá trình sơ tán khi gặp sự cố, giáo sư khuyên mọi người phải lắng nghe hướng dẫn của tiếp viên vì họ được phi công chỉ dẫn lối thoát hiểm nào an toàn nhất để sơ tán. Tiếp viên cũng là người có thể xác định thời điểm và vị trí an toàn nhất để mở cửa thoát hiểm.