Công cụ AI mới của NASA rà quét 112.000 ảnh chụp sao Hỏa để tìm ra những hố va chạm mới, tiết kiệm đáng kể thời gian cho con người.
Công cụ AI do Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA phát triển giúp xác định cụm hố va chạm mới trên sao Hỏa, Space hôm 25/10 đưa tin. Công cụ này được thiết kế để quét ảnh, tìm kiếm những thay đổi trên bề mặt sao Hỏa và nhận biết dấu hiệu của hố va chạm. Theo các nhà khoa học, cụm hố va chạm mới phát hiện hình thành do một thiên thạch đâm xuống trong giai đoạn tháng 3/2010 - 5/2012.
Camera HiRISE trên tàu vũ trụ MRO chụp ảnh cụm hố va chạm tại vùng Noctis Fossae. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech/Đại học Arizona).
Đây là lần đầu tiên AI được sử dụng để tìm ra những hố va chạm chưa từng biết đến trên hành tinh đỏ. "AI không thể phân tích khéo léo như một nhà khoa học. Tuy nhiên, những công cụ như thuật toán mới này có thể làm trợ lý, mở đường cho sự hợp tác thú vị giữa con người và AI nhằm đẩy nhanh các phát hiện khoa học", Kiri Wagstaff, nhà khoa học máy tính tại JPL, cho biết.
Camera Context của MRO, tàu vũ trụ bay trên quỹ đạo sao Hỏa, chụp ảnh vùng diện tích trải dài hàng trăm km với độ phân giải thấp. Camera này giúp tìm ra dấu vết xung quanh một vụ va chạm và thu hẹp phạm vi tìm kiếm hố trên bề mặt sao Hỏa. Tuy nhiên, các nhà khoa học cần dựa vào camera HiRISE với ảnh chụp độ phân giải cao để xác định từng chiếc hố.
Những cấu trúc nhỏ trên bề mặt sao Hỏa sẽ khó phát hiện nếu chỉ dùng tàu bay trên quỹ đạo. Các nhà khoa học thường phải dành nhiều giờ mỗi ngày để nghiên cứu ảnh chụp từ những tàu vũ trụ như MRO. Do đó, thuật toán nhận diện hố va chạm sẽ giúp họ tiết kiệm thời gian và tìm ra nhiều hố trên sao Hỏa hơn.
"Không thể xử lý hơn 112.000 hình ảnh trong thời gian ngắn nếu không phân chia công việc cho nhiều máy tính. Chiến thuật là chia vấn đề thành nhiều phần nhỏ để có thể giải quyết cùng lúc", Gary Doran, nhà khoa học máy tính tại JPL, cho biết.
Đầu tiên, nhóm nghiên cứu tại NASA sử dụng 6.830 hình ảnh từ camera Context để lập trình công cụ AI. Số ảnh này gồm cả ảnh chụp những nơi đã xác định được hố va chạm lẫn nơi không có hố. Từ đó, công cụ có thể học được cách phân biệt các đặc điểm trên bề mặt sao Hỏa.
Sau đó, nhóm nghiên cứu cho công cụ AI rà quét 112.000 ảnh chụp từ camera Context. Nó tìm ra cụm hố va chạm mới tại vùng Noctis Fossae. Các nhà khoa học đã xác nhận phát hiện này bằng cách sử dụng camera HiRISE. Công cụ AI cũng tìm thấy 20 khu vực đáng chú ý và nhóm chuyên gia sẽ nghiên cứu những nơi này kỹ lưỡng hơn để xác định thêm hố va chạm.
NASA hy vọng có thể sử dụng công nghệ nhận diện hố va chạm với những tàu vũ trụ bay đến sao Hỏa trong tương lai. Điều này sẽ giúp thu hẹp phạm vi để các nhà khoa học nghiên cứu thêm, giúp cung cấp bức tranh hoàn thiện hơn về tần suất thiên thạch đâm xuống sao Hỏa.