Lớp băng trên dãy núi Alpes ở Thụy Sĩ cứ mỗi năm lại bị mòn bớt đi vài chục cm. Dự báo, lớp băng này sẽ tan chảy hết vào năm 2050.
Phía Tây của dãy Alpes bắt nguồn từ Pháp, và chạy qua Italy, Thuỵ Sĩ, Liechtenstein, Đức, còn phía Đông kéo dài đến tận Áo.
|
(Ảnh: skitour.fr) |
Nhà khoa học Roland của Viện sinh thái học thuộc Đại học Innsbruck, Áo sau khi nghiên cứu đã phát hiện ra, thể tích băng trên núi này hàng năm bị nhỏ lại khoảng 3%, độ dày của băng mỗi năm cũng giảm đi 1m. Nếu các lớp băng trên Alpes cứ tan chảy theo tốc độ hiện nay thì chỉ đến năm 2037, phần lớn băng đã bị tan hết.
Độ dày bình quân của băng trên Alpes hiện nay là khoảng 30m, và có thể khẳng định rằng sẽ không có sự hình thành lớp băng mới. Các cơ quan hữu quan của Thuỵ sĩ cũng đã tiến hành đo đạc sơ bộ, năm 2004, độ dày bình quân của lớp băng đã giảm đi 70cm, năm 2005 giảm khoảng 60cm.
Từ những năm 80 đến nay, độ dày bình quân của lớp băng này đã giảm đi 9,6m. Đài giám sát băng thế giới đặt tại Zu-rích, Thuỵ Sĩ đã theo dõi 30 tầng băng ở 9 dãy núi băng lớn trên thế giới và thấy rằng, các lớp băng vẫn đang tan dần.
Do một trong những nguyên nhân làm thay đổi khí hậu của trái đất chính là lượng Dioxit cacbon thải ra quá nhiều từ cuộc sống của con người, một câu lạc bộ xe hơi của Áo đã kêu gọi các thành viên nên đi bộ hoặc đi xe đạp khi đi làm. Câu lạc bộ này cho rằng, các chủ xe hoàn toàn có thể đi bộ hoặc đi xe trượt để tránh ô nhiễm môi trường.
Hàng năm, Alpes còn là nơi hội tụ của những người yêu thích môn trượt tuyết từ khắp nơi trên thế giới, đem lại doanh thu hàng triệu USD cho ngành du lịch địa phương. Nếu lượng tuyết ngày càng giảm sút thì tất nhiên, sự phát triển của ngành du lịch cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Vì thế, để bảo vệ cho dãy Alpes, một số người theo chủ nghĩa bảo vệ môi trường ở Châu Âu còn đề nghị huỷ bỏ Cúp trượt tuyết thế giới để bảo vệ lượng tuyết trên núi Alpes.
Tuyết Nhung