Vì sao người ta lại hôn nhau, bị đỏ mặt hay ngoáy mũi? Đó là những bí ẩn trong đời sống con người mà các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra lời giải đáp.
Tạp chí New Scientist đã tập hợp danh sách gồm 10 hành vi đơn giản diễn ra hằng ngày trong đời sống chúng ta nhưng vẫn khiến các bộ não hàng đầu thế giới phải vắt óc suy nghĩ. Trong một bài xã luận mới đăng trên tạp chí có đoạn: "Đối với chúng ta, không có gì thú vị hơn là chính bản thân mình. Vì vậy, chúng tôi đã bỏ ra nỗ lực lớn để tìm hiểu kĩ về con người và ngạc nhiên là có một số điều vẫn còn là bí ẩn. Nó đa dạng từ những thứ siêu phàm như nghệ thuật, giấc mơ và lòng vị tha đến những điều vô lý như đỏ mặt, ngoáy mũi. Chúng có vẻ kỳ quặc nhưng lý do cho những hành động ấy lại mang ý nghĩa đặc biệt".
Sau đây là một số giả thuyết giải thích tại sao chúng ta lại có những hành vi đó.
1 - Đỏ mặt: Charles Darwin đã rất cố gắng trong việc tìm hiểu vì sao người ta lại đỏ mặt mỗi khi nói dối và ông cho rằng hành động đó là để làm người khác chú ý. Tuy nhiên, một số người nghĩ rằng điều này sẽ làm giảm xung đột hay tạo sự gần gũi do họ đã bộc lộ ra sự yếu đuối của bản thân.
2 - Cười: Endorphin, chất dẫn truyền thần kinh trong não có tác dụng tạo cảm xúc tích cực, cải thiện tâm trạng, sẽ được sản sinh ra khi chúng ta cười. Đó cũng có thể là một lý do dễ hiểu nhưng một nghiên cứu thực hiện trong 10 năm chỉ ra rằng chúng ta cười nhiều hơn bởi những lời nói sáo rỗng hơn là những trò đùa.
Giả thuyết liên quan tới ký ức từ việc bú sữa mẹ hay bắt nguồn từ thực tế rằng người cổ đại cho con ăn bằng cách mớm miệng.
3 - Hôn: nguồn gốc của việc hôn nhau có thể không bắt nguồn từ gene bởi không phải tộc người nào cũng làm điều này. Có những giả thuyết liên quan tới ký ức từ việc bú sữa mẹ hay bắt nguồn từ thực tế rằng người cổ đại cho con ăn bằng cách mớm miệng, giúp khăng khít mối quan hệ.
4 - Mơ: Sigmund Freud cho rằng giấc mơ thể hiện niềm khát khao trong tiềm thức của chúng ta nhưng lý giải này không được nhiều người ủng hộ. Một số người tin rằng giấc mơ giúp chúng ta xử lý các cảm xúc, nhưng vì sao có người lại nhìn thấy những hình ảnh kỳ lạ thì vẫn chưa được giải đáp.
5 - Mê tín: thói quen lạ lùng này không có một ý nghĩa nào liên quan đến tiến hóa, tuy nhiên, có thể người xưa đã có lợi từ việc không nhầm lẫn giữa tiếng sột soạt của một con sư tử trong bụi rậm với tiếng gió thổi. Ngoài ra tôn giáo cũng có ảnh hưởng tới hành vi này.
6 - Ngoáy mũi: Thói quen không mấy đẹp mắt này không mang một lợi ích dinh dưỡng nào. Nhưng vì sao 1/4 số trẻ em làm việc này trung bình 4 lần/ngày? Một số người còn cho rằng nó giúp thúc đẩy hệ miễn dịch.
Thói quen này không mang lại một chút lợi ích nào.
7 - Dậy thì: Các loài vật khác không hề trải qua giai đoạn bất ổn và xáo trộn tâm lý này. Một số người cho rằng nó giúp bộ não của chúng ta tự sắp xếp lại trước khi trưởng thành hoàn toàn, hoặc đó là một quá trình thử nghiệm hành vi trước khi con người biết chịu trách nhiệm về bản thân sau này.
8 - Vị tha: Cho đi mọi thứ mà không cần đáp lại là một hành vi khó hiểu xét về mặt tiến hóa. Nó có thể giúp tăng cường mối quan hệ giữa người với người hoặc chỉ mang lại cảm giác thỏa mãn.
9 - Thưởng thức nghệ thuật: Vẽ, khiêu vũ, chơi nhạc đều khá giống với sự phô bày chiếc đuôi của con công nhằm thu hút bạn tình. Tuy nhiên, nó cũng có thể là công cụ để truyền bá kiến thức và trao đổi kinh nghiệm.
10 - Mọc lông: Nó thưa thớt trên cơ thể nhưng lại rậm rạp ở vùng kín, ngược lại hoàn toàn với các loài động vật tổ tiên của chúng ta. Lý do ở đây là lông giúp tỏa mùi hương, giữ ấm hoặc tránh xây xát.