Phần lớn những chếc hố khổng lồ trên trái đất đều do hoạt động khai thác mỏ của con người tạo nên như hố gas Darvaza bốc cháy suốt 45 năm hay mỏ kim cương Kimberley lớn nhất thế giới ở Nam Phi. Bên cạnh đó, thiên nhiên cũng hình thành các hố sâu khổng lồ tương tự.
1. Hố gas Darvaza - Turmenistan
Năm 1971, các nhà địa chất phát hiện mỏ khí ngầm ở vùng Darvaza. Trong khi khai thác, một vụ sập đã tạo ra chiếc hố khổng lồ. Để ngăn tình trạng khí độc giải phóng người đã đốt nó và đến nay hố gas Darvaza vẫn tiếp tục cháy, tạo ra cảnh tượng độc nhất vô nhị trên hành tinh.
2. Mỏ kim cương Kimberly - Nam Phi
Mỏ kim cương này còn được gọi là Big Hole được coi là chiếc hố nhân tạo lớn nhất thế giới. Từ năm 1866 đến năm 1914 đã có 50.000 công nhân làm việc tại đây bằng những dụng cụ thô sơ như cuốc và xẻng, khai thác tổng cộng 2.722 kg kim cương. Công trình này đang được đăng ký trở thành một di sản thế giới.
3. Đập Monticello - California
Đập Monticello nằm ở hạt Napa, bang California (Mỹ), có một hố thoát nước hình tròn với chiều cao 93m, được xây từ 249.000m khối bê tông.
Đập có nhiệm vụ ngăn nước sông Putah và hình thành hồ Berryessa (hồ lớn thứ 2 ở bang California).
4. Mỏ Bingham - Utah
Khu mỏ khai thác đồng ở hẻm Bingham thuộc dãy núi Oquirrh, bang Utah (Mỹ) có độ sâu tới 1,2 km và đường kính 4 km. Đây cũng là một trong những hố lớn nhất thế giới do con người tạo ra.
5. Hố xanh khổng lồ - Belize
Hố sụt ngầm dưới nước được mệnh danh là Great Blue Hole này nằm ngoài khơi Belize, thuộc vùng Trung Mỹ, được hình thành như một hang động đá vôi ở cuối thời kỳ băng hà.
6. Mỏ kim cương Mirny - Siberia
Khu mỏ có độ sâu 525 mét và đường kính 1.200 mét này là một trong những nơi khai thác kim cương đầu tiên và lớn nhất của Liên Xô nay đã chấm dứt sứ mệnh. Khi còn hoạt động, phải mất hai tiếng những chiếc xe tải mới có thể đi từ đỉnh mỏ Mirny xuống đáy theo hình xoắn ốc.
7. Mỏ kim cương Diavik - Canada
Khu mỏ này nằm ở vùng lãnh thổ Tây Bắc của Canada bắt đầu hoạt động từ năm 2003, mỗi năm khai thác được 8 triệu carat (tương đương khoảng 1.600 kg) kim cương.
8. Hố sụt Guatemala
Năm 2007, một hố sụt có đường kính gần 100 mét đã nuốt gọn hàng chục ngôi nhà ở Guatemala khiến 2 người thiệt mạng và hàng nghìn người phải đi sơ tán. Hố sụt này được tạo ra bởi những cơn mưa lớn liên tiếp và một đường chảy nước thải ngầm.
9. Mỏ Udachnaya - Nga
Khu mỏ kim cương lộ thiên Udachnaya của Nga được phát hiện từ năm 1955 và có độ sâu hơn 600 mét. Những người sở hữu khu mỏ này đang có kế hoạch chấm dứt hoạt động của nó vào năm 2010 để chuyển sang khai thác ngầm trong lòng đất.
10. Mỏ Chuquicamata - Chile
Đây là mỏ khai thác đồng lộ thiên có tổng sản lượng khai thác lớn nhất trên thế giới, dù đây không phải là mỏ đứng đầu về quy mô hoạt động. Mỏ có độ sâu hơn 850 mét.
11. Giếng St. Patrick’s, Orvieto, Italy
Giếng nước sâu hoắm và cầu kỳ này được xây dựng vào năm 1527 dưới sự bảo trợ của Nhà thờ sau khi Giáo hoàng Clement VII rời bỏ thành Rome và định cư ở Orvieto. Trong suốt thời gian Orvieto bị bao vây, giếng này trở thành nguồn cung cấp và nơi vận chuyển nước chủ yếu của cả khu vực. Nước được lấy trực tiếp từ giếng và vận chuyển qua đường hầm bên trong để đến được pháo đài Albornoz.
12. Miệng núi lửa Yasur, đảo Vanuatu
Yasur là một ngọn núi lửa hiện vẫn hoạt động trên đảo Vanuatu. Vụ phun trào cuối cùng của nó diễn ra vào năm 2017. Các bộ lạc bản địa truyền nhau rằng đây là nơi cư ngụ của một vị thần cổ đại. Để tránh chọc giận đến thần linh, thổ dân rất hiếm khi bén mảng đến gần ngọn núi lửa, chỉ có các pháp sư và các bô lão trong làng mới được phép tới đó khi có chuyện cần thiết.
Tuy nhiên, khách du lịch lại không hề e ngại trước truyền thuyết kia, rất nhiều người tìm đến Yasur để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó cũng như tìm kiếm cảm giác mạnh, bởi lẽ đây là một trong nhưng ngọn núi lửa còn hoạt động dễ tiếp cận nhất trên thế giới.
13. Tháp đảo ngược ở Masons, Bồ Đào Nha
Tháp đảo ngược này thực chất là một cái giếng khổng lồ được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 tại Sintra, một thị trấn của Bồ Đào Nha. Người dân nơi đây xem nó là một nơi linh thiêng, là nơi chuyển tiếp, giao thoa giữa ánh sáng và bóng tối. Các bậc thang xoắn ốc xung quanh tượng trưng cho đường đi lên thiên đường hoặc xuống địa ngục của các linh hồn. Kích thước của tháp khá ấn tượng, có thể chứa được một tòa nhà 10 tầng.
14. Động Er Wang Dong, Trung Quốc
Một nhóm nhà thám hiểm đã phát hiện ra hệ thống hang động đồ sộ này. Nó có hẳn một hệ sinh thái riêng biệt bên trong với những sinh vật kỳ lạ mà ta không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh. Du khách thậm chí còn có thể đắm mình trong sương mù hoặc chứng kiến mây hình thành như thế nào bên trong hang động.
15. Hang động Eisriesenwelt, Áo
Hang động này nằm ở độ cao hơn 1500m. Tên của nó có nghĩa "thế giới của những người băng khổng lồ". Đây được xem là hang động băng lớn nhất thế giới với chiều dài gần 42km và sâu gần 400m. Trước đây để tới được hang động, các nhà thám hiểm sẽ phải leo bộ 1500m. Tuy nhiên, ngày nay người ta đã cho xây dựng hệ thống cáp treo giúp du khách có thể tới không gian hun hút, tuyệt mỹ này chỉ trong vòng vài phút.
16. Hang động Cerro Sarisariñama, Venezuela
Ở Venezuela có rất nhiều những ngọn núi cao chót vót với phần chóp bằng phẳng mà khi xưa chúng là các cao nguyên rộng lớn. Hàng trăm năm trước, nhiều vụ sụt lở đất đã biến các ngọn núi này thành những hang động khổng lồ cách ly với thế giới bên ngoài, mà lớn nhất là ở núi Sarisariñama, bang Bolívar, Venezuela. Bên trong hang động tồn tại hệ sinh thái riêng biệt, thậm chí có rất nhiều cây lớn sinh sôi. Cảnh quan nơi đây khiến người ta liên tưởng đến một âm phủ thực sự.
17. Hang băng Mutnovsky, Nga
Vùng núi Mutnovsky bán đảo Kamchatka, Nga là nơi tọa lạc của một hang động băng kỳ lạ. Dù nằm ngay cạnh núi lửa, hang động này vẫn không hề hấn gì và vẫn băng giá suốt bao nhiêu năm qua. Vòm hang được bao phủ bởi các khối băng đầy màu sắc trông vô cùng đẹp mắt. Đáng tiếc thay, do tác động của biến đổi khí hậu mà băng ở hang động này đã tan đi đáng kể, khiến các lớp băng trở nên rất mỏng.