Dưới đây là danh sách 10 thảm họa thiên nhiên khủng khiếp nhất trong lịch sử Mỹ, do LiveScience thống kê.
Bão Tristates - Ngày 18/3/1925
Ảnh: ThinkQuest |
Cơn bão đi qua ba bang Illinois, Indiana, Missouri. Chỉ trong ba giờ rưỡi nó đã tàn phá tan hoang miền trung nước Mỹ.
Bão phá hủy 15.000 căn nhà, trong số 700 người bị chết có đến 613 người của bang Illinois. Sau đợt này, các nhà dự báo mới bắt đầu nghiên cứu phát triển hệ thống cảnh báo bão.
Cháy rừng ở Peshtigo - 8/10/1871
Thành phố Peshtigo vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán thì một đợt gió bão làm lan một đám lửa nhỏ ở đồng cỏ ra hàng triệu hecta đất rừng. Vụ cháy thậm chí còn vượt qua sông Peshtigo và đánh chìm cả hai bờ của thành phố trong biển lửa. Vụ cháy đã thiêu đốt 12 thị trấn và giết chết gần 1.200 người.
Trận lụt Johnstown - 31/5/1889
Ảnh: AccWeather.com |
Trong suốt cuối thế kỷ 19, giới công nghiệp nhỏ ở Johnstown, Pennsylvania nổi tiếng là những nhà sản xuất thép chất lượng cao. Nhưng tất cả đã kết thúc khi chiếc đập South Fork ở vùng núi cách thành phố hơn 20 km bị vỡ.
Những ngày mưa như trút khiến chiếc đập vốn xuống cấp không chịu nổi, đổ ập hơn 20 triệu tấn nước và xuống thành phố với sự giúp sức của thác nước Niagara. Trận lụt nhấn chìm 1.600 ngôi nhà và làm chết 2.209 người.
Đợt nắng nóng hè 1988
Ảnh: themysticalpen.com |
Nền nông nghiệp vào thời điểm đó đang bị tàn phá bởi hạn hán kéo dài một năm lại phải gánh chịu thêm đợt nắng nóng năm 1988. Thiệt hại nông nghiệp vượt quá con số 61 tỷ USD.
Thời tiết khô nóng khiến cháy rừng hoành hành dọc theo vườn quốc gia Yellowstone và núi Rushmore. 5.000-10.000 người chết do những biến chứng từ nắng nóng.
Đợt nóng hè 1980
Ảnh: severe-wx.pbworks.com |
Là một trong những thảm họa kéo dài và khủng khiếp nhất nước Mỹ. Một vùng áp suất cao đẩy nhiệt độ vùng trung và nam Mỹ lên rất cao, trên 32 độ C, trong hầu hết mùa hè. Thiệt hại của ngành nông nghiệp ước tính 48 tỷ USD vì hạn hán và 10.000 người chết vì nóng và stress.
Bão xoáy Okeechobee - 16/9/1928
Ảnh: projectshum.org |
Nhiều người dân vùng hồ Okeechobee, Florida đi sơ tán đã trở về nhà khi biết cơn bão sẽ không đến như dự báo. Nhưng sau đó bão lại ập vào đất liền vào buổi tối ngày 16/9/1928 với sức gió là 224 km/h.
Sức công phá này đã làm vỡ con đê nhỏ ở đầu nam của hồ, gây ra lụt lội nặng kéo dài nhiều tuần và lấy đi mạng sống của ít nhất 2.500 người.
Đại hỏa hoạn và động đất ở San Francisco - 18/4/1906
Ảnh: neveryetmelted.com |
Một buổi sáng mùa xuân, người dân San Francisco, Caliornia bất ngờ bị đánh thức bởi một trận động đất kéo dài không đến một phút nhưng những chuỗi sự kiện sau đó thì đã khiến thành phố bị cháy trong 4 ngày ròng.
Động đất mạnh 7,7 đến 7,9 độ Richter không chỉ làm vỡ đường ống dẫn ga, châm ngòi lửa mà còn phá hỏng đường ống nước khiến cho lực lượng cứu hỏa không đủ nước để khống chế đám lửa. Cho đến khi cháy được dập tắt, lửa đã nuốt trọn 500 khối nhà, 3.000 người chết. Trong số sống sót thì 225.000 người mất nhà cửa.
Bão bụi - đầu những năm 1930
Ảnh:thenonconsumeradvocate.files.wordpress.com |
Cho đến trước thập niên 30, vùng Đại đồng bằng vẫn được coi là thiên đường của nông nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu tăng cao với lúa mì, người nông dân ra sức cày xới vùng đất cỏ của đồng bằng phía nam. Kết quả là đất bị xói mòn vì cỏ và rễ cây vốn có tác dụng giữ ẩm cho đất trong ngày hạn đã bị thay thế với cây mùa vụ.
Hạn hán kéo dài một thập kỷ đã biến lớp đất mặt tơi xốp thành cát bụi, và những cơn gió đã quét lớp cát bụi này và thổi về hướng đông, làm tối đen bầu trời đến cả vùng bờ biển Đại Tây Dương. Không còn hoa màu, một phần ba nông dân phải sống nhờ trợ cấp chính phủ và khoảng nửa triệu người Mỹ không nhà cửa.
Bão Katrina - 29/8/2005
Ảnh: themysticalpen.com |
Cơn bão trên Đại Tây Dương bắt đầu chỉ là bão cấp thấp khi nó thổi qua nam Florida, sau đó trở thành tấn thảm kịch chết chóc và tốn kém nhất của nước Mỹ.
Katrina ập vào bờ biển Louisiana với sức gió hơn 200 km/h, làm vỡ những con đê ngăn New Orleans với vùng nước cao hơn xung quanh khiến 80% thành phố ngập trong nước. Katrina đã giết ít nhất 1.836 người và tổn thất ước tính khoảng 125 tỷ USD.
Bão Galveston - 8/9/1900
Ảnh: FoxNews |
Galveston vào cuối thế kỷ 19 được mệnh danh là "viên ngọc của Texas" cho đến khi thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất trong lịch sử nước Mỹ đã cuốn sạch đi tương lai tương sáng của vùng đất này.
Galveston từng là trung tâm buôn bán bông và là thành phố lớn nhất của Texas. Tuy nhiên các quan chức và cư dân thành phố, do tự mãn, đã quyết định không xây dựng một con đê bảo vệ thành phố.
Khi cơn bão với sức gió khoảng 216 km/h ập đến vào sáng sớm, những toà nhà vỡ vụn dưới những đợt sóng cao 4 hoặc 5m. Cho đến quá trưa thì toàn bộ thành phố bị nhấn chìm, 8.000 người chết. Mặc dù thành phố sau đó đã được xây dựng lại, nó không bao giờ có thể lấy lại sự thịnh vượng từng được mệnh danh với cái tên "New York của miền nam" nữa.