Khoảng 100 triệu người sẽ chết và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm 3,2% trước năm 2030 nếu thế giới không khắc phục được các vấn đề từ biến đổi khí hậu.
Cảnh báo trên nằm trong một báo cáo được công bố ngày 26/9 sau khi Tổ chức nhân đạo quốc tế DARA ở Tây Ban Nha tính toán tác động biến đổi khí hậu lên kinh tế và con người ở 184 quốc gia từ năm 2010 - 2030, theo hãng tin Reuters.
Báo cáo ước tính mỗi năm có 5 triệu người chết vì ô nhiễm không khí, nạn đói và bệnh tật, vốn là hệ quả của biển đối khí hậu và nền kinh tế thải ra nhiều khí carbon. Con số này sẽ tăng lên 6 triệu người/năm đến năm 2030 nếu các nền kinh tế vẫn tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Biến đổi khí hậu gây ra rất nhiều hậu quả cho con người
“Khủng hoảng biến đổi khí hậu ước tính sẽ lấy đi mạng sống của 100 triệu người từ bây giờ cho đến cuối thập niên tới”, báo cáo nhấn mạnh. Trong đó sẽ có hơn 90 triệu người ở các nước đang phát triển.
Báo cáo còn chỉ ra rằng tác động của biến đổi khí hậu làm giảm 1,6% GDP thế giới mỗi năm, tương đương 1.200 tỉ USD. Và con số thiệt hại này có thể tăng lên 3,2% trước năm 2030 nếu nhiệt độ toàn cầu tăng cao.
Nhà kinh tế Anh Nicholas Stern cho Reuters hay thế giới cần phải đầu tư khoảng 2% GDP toàn cầu để có thể hạn chế, ngăn chặn và thích nghi với biển đối khí hậu.
Hồi năm 2010, gần 200 quốc gia đã cam kết cùng nỗ lực hạn chế nhiệt độ tăng trung bình toàn cầu dưới 2 độ C để tránh những tác động nguy hiểm của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, giới khoa học khí hậu cảnh báo rằng cơ hội hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C ngày càng thấp khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu tiếp tục tăng do đốt nhiên liệu hóa thạch.