14 xác tàu đắm hé lộ sự thật trên những con tàu chở nô lệ

Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ phục hồi những phần còn lại của các con tàu sau 200 năm chúng chìm dưới đáy biển.

Các nhà khảo cổ học ở Bahamas đã phát hiện xác của 14 con tàu từng chở nô lệ qua Đại Tây Dương từ châu Phi sang châu Mỹ.


Các nhà sử học ước tính từ năm 1525 đến 1866, hơn 12,5 triệu người châu Phi đã bị bắt lên những con tàu đi qua Đại Tây Dương đến Thế Giới Mới làm nô lệ. (Ảnh: Getty Images).

Trong số đó có tàu Peter Mowell, một chiếc thuyền buồm của Mỹ bị chìm ngoài khơi Lynyard Cay gần đảo Great Abaco vào năm 1860 cùng với khoảng 400 người châu Phi bị bắt làm nô lệ trên tàu. Ngoài ra là những con tàu nhỏ hơn, chở nô lệ đến các đồn điền trồng mía, cà phê, bông và thuốc lá ở Bắc Mỹ và quanh vùng biển Caribbe.

Hầu hết các địa điểm xác định có tàu đắm đã được ghi lại trong các văn bản thế kỷ XVIII và XIX, nhưng vẫn chưa được khảo sát.

Ông Carl Allen, Giám đốc điều hành và là người sáng lập nhóm khảo cổ dưới nước Allen Exploration, cho biết nhóm nghiên cứu đã xác định được vị trí thực tế của 3 xác tàu đắm, nhưng hiện vẫn giữ bí mật vì những xác tàu này không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử và khảo cổ học để tìm hiểu cuộc sống trên những con tàu nô lệ, mà còn là những vật chứng đích thực cho hiểu biết của chúng ta về hoạt động buôn bán người khủng khiếp này.


Đây là tàu General Oglethorpe, đang trên đường ở vùng biển giữa Virginia, Mỹ và Havana, Cuba, vào năm 1802 thì bị đắm trong một cơn bão lớn. (Ảnh: MacKay, R., Wreck of the General Oglethorpe - 1802).

Cho đến nay, nhóm nghiên cứu đã xác định được tổng số 596 xác tàu ở vùng biển xung quanh quần đảo phía bắc Abaco, trong đó xác tàu lâu đời nhất bị đắm từ năm 1657.

Ông Michael Pateman, Giám đốc Bảo tàng hàng hải Bahamas, cho biết lịch sử Bahamas chịu ảnh hưởng sâu sắc của một số sự kiện người nô lệ. Những con tàu chở nô lệ đầu tiên từ châu Phi sang vào năm 1721, góp phần lớn vào định hình dân số của quần đảo. Ngày nay, hơn 90% dân số của quần đảo này là người gốc Phi.


Đây là tàu Nancy, bị đắm do sóng dữ và đá ngầm ở phía bắc Bahamas vào năm 1767. Trên tàu có một nô lệ tên là Olaudah Equiano, đã sống sót sau vụ đắm tàu và về sau viết lại về những trải nghiệm của ông trên con tàu đó. (Ảnh: trích từ cuốn sách Life of Olaudah Equiano, or Gustavus Vassa the African).

Bahamas cũng là nơi diễn ra cuộc nổi dậy năm 1841 của các nô lệ trên con tàu Creole trên đường đưa nô lệ từ Virginia đến New Orleans, Mỹ. Trong số 135 nô lệ trên tàu, một số người đã kháng cự và buộc con tàu phải đi đến Bahamas, nơi họ tuyên bố tự do. Đây là một cột mốc quan trọng trong lịch sử buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương.

Vị trí của các xác tàu cho thấy Bahamas từng là giao lộ lớn giữa châu Phi, đông nam nước Mỹ , Cuba và vịnh Mexico. Ông James Jenny, Giám đốc nghiên cứu của dự án Tàu mất tích Bahamas, cho biết khu vực này nổi tiếng với những hiện tượng thời tiết xấu nhưng vẫn là "con đường an toàn nhất".


Dự án Tàu mất tích ở Bahamas đã xác định được địa điểm của 14 con tàu nô lệ bị đắm giữa các hòn đảo phía bắc Bahamas. (Ảnh: Allen Exploration).

Nhiều con tàu trong số đó bị chìm trên đường từ các cảng ở Mỹ đến kênh đông bắc Providence nằm giữa đảo Bahamas Lớn và đảo Andros. Ông Jenny nói rằng: "nếu bạn muốn đến các đồn điền rộng lớn của Havana và Cuba, bạn phải mạo hiểm với những vùng biển này".

Các đồn điền trồng mía ở Cuba là những điểm đến chính của các nô lệ người châu Phi. Các nhà khảo cổ học từng gọi Havana là "nơi tiệc tùng của thần chết". Điều này có thể nói lên tất cả về điều kiện sống của các nô lệ ở đây. Những công nhân nô lệ người châu Phi sống trong những túp lều tồi tàn, bị đeo vòng cổ nô lệ bằng sắt và làm việc 7 ngày/ tuần, chỉ nghỉ bốn giờ mỗi ngày trong mùa thu hoạch mía.

Mỗi năm có khoảng 10% nô lệ châu Phi chết tại các đồn điền ở Cuba, trong đó một số người chết do bị đánh đập.


Mô hình tại Bảo tàng Hàng hải Bahamas tái hiện hoạt động buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương. (Ảnh: Allen Exploration).

Tới đây, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành lặn xuống thực địa để tìm hiểu những gì còn sót lại trên những con tàu đã chìm 200 năm dưới biển.


Nô lệ châu Phi ở Thế Giới Mới bị mua, bán như gia súc. Bức tranh này mô tả cảnh đấu giá một nô lệ ở Virginia, Mỹ. (Ảnh: The Illustrated London News, 16/2/1861).

Giám đốc khảo cổ học của Dự án, ông James Sinclair, cho biết nhiều xác tàu nằm ở vùng nước ấm, nông, có nhiều sóng và bão. Đây là điều kiện thời tiết bất lợi cho công tác nghiên cứu thực địa. Mục tiêu của nhóm là mô tả lại những gì còn sót lại và tìm ra cách bảo quản tốt hơn cho những di vật quý hiếm này, phục vụ cho công tác nghiên cứu về sau.

Cập nhật: 08/03/2024 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video