Loài chuột có thể làm lây lan 35 bệnh, tại Việt Nam xuất hiện 3 nhóm bệnh gồm sodoku, bệnh do virus hanta và bệnh leptospira.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), các bác sĩ gặp rải rác các ca bệnh hàng năm. Nếu bác sĩ không để ý sẽ rất dễ chẩn đoán nhầm bệnh, trong khi phát hiện sớm việc điều trị rất đơn giản.
Bệnh sodoku hay sốt do chuột cắn
Khi bị chuột cắn, người dân có thể bị lây nhiễm bệnh gọi là sodoku. Nguyên nhân do một loại xoắn khuẩn có tên là spirillum minus.
Bệnh khởi phát đột ngột với biểu hiện sốt cao, ớn lạnh, sốt thành từng cơn, sốt không có tính chu kỳ, xen kẽ là thời kỳ không sốt, có thể nổi xuất huyết. Ở chỗ bị cắn, các tổn thương ngoài da có thể tự khỏi, nhưng bên trong bị hoại tử và có phản ứng của hạch khu vực. Bệnh nhân có các biểu hiện đau cơ, đau khớp và thường diễn biến dẫn tới viêm khớp. Nặng hơn, bệnh nhân bị đau đầu, ảo giác, mê sảng dẫn đến hôn mê. Tình trạng sốt có thể kéo dài vài tháng. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 10-20 bệnh nhân mắc sodoku do chuột cắn. Khởi đầu vết cắn đơn giản nên nhiều người bệnh không để ý. Bên cạnh đó, nếu có vết thương hở người dân dọn dẹp vào những chỗ có phân, nước đái chuột thì cũng thể bị truyền bệnh này.
Khi bị chuột cắn, người dân có thể bị lây nhiễm bệnh gọi là sodoku.
Bệnh do hantavirus
Theo bác sĩ Cấp, đây cũng là bệnh hay lây từ chuột sang người; chủ yếu lây qua đường hô hấp; người bệnh hít phải bụi, phân, chuột hoặc hơi nước tiểu chuột bốc lên có thể nhiễm bệnh. Nếu bị chuột nhiễm virus hanta cắn cũng có thể truyền bệnh.
Tỷ lệ chuột ở một số địa phương miền Bắc mang virus này là khoảng 5-15% theo thống kê của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Nguy cơ lây bệnh chủ yếu từ chuột hoang, chuột nhà có thể nhiễm virus này nếu tiếp xúc với chuột hoang.
Bệnh khởi phát sau 10-20 ngày, bệnh nhân có biểu hiện sốt, sau đó đau cơ, đau đầu, chán ăn, buồn nôn. Nhiều trường hợp đau bụng dễ nhầm đau bụng do các nguyên nhân khác.
Số ít bệnh nhân có thể diễn biến ngày càng nặng lên như viêm phổi, suy thận, một số có thể suy tim. Phát hiện bệnh muộn, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 6-10%. Bệnh do virus nên không có thuốc điều trị đặc hiệu.
Bệnh leptospira
Bệnh lây qua nước tiểu chuột. Chuột mang xoắn khuẩn này đi tiểu vào cống rãnh, người lội cống rãnh chân tay có vết thương rất dễ xâm nhập, hay gặp công nhân phải lội nước bẩn. Vào mùa mưa đôi khi nước tràn dềnh lên, người dân lội nước bẩn có thể bị lây bệnh.
Sau khi bị nhiễm khuẩn này 7-10 ngày, người bệnh có dấu hiệu sốt, có thể chảy máu cam, xuất huyết kết mạc, vàng da. Thường đa số người bệnh tự khỏi, một số diễn biến nặng, có thể dẫn đến suy thận, suy gan, rối loạn đông máu, chảy máu.
Phát hiện bệnh sớm thì điều trị đơn giản với kháng sinh thông thường như penicillin, teracylin. Ngược lại chẩn đoán muộn, khi bệnh nhân đã suy thận điều trị hết sức khó khăn, tỷ lệ tử vong cao.