Đi tìm lời giải cho việc hôn có thể giúp tìm bạn đời hay điều gì đủ giết chết tình yêu...
Tình yêu là một trong những đề tài được các nhà nghiên cứu quan tâm. Với mỗi nghiên cứu, các chuyên gia lại xem xét tình yêu dưới nhiều góc độ khoa học khác nhau. Hẳn ít người có thể trả lời chính xác, mất bao thời gian để thần Cupid bắn trúng tim một “nạn nhân”, hay nụ hôn có giúp ta tìm được một nửa đích thực đời mình?
1. Thời gian để hạ gục một trái tim: 0,25s
Ít ai ngờ, khi nhìn thấy “người ấy”, các chất tạo ra cảm giác hưng phấn ở não bộ chỉ mất 0,25 giây để bắt đầu hoạt động. Một nghiên cứu hình ảnh bộ não đã chỉ ra rằng, có tới 12 vùng não khác nhau liên quan đến hoạt động ngay từ những phần trăm giây đầu tiên này.
Khi con người nhìn thấy hoặc suy nghĩ về người mà họ yêu, những vùng não này sẽ tiết ra một dung dịch hỗn hợp bao gồm chất dẫn truyền thần kinh chạy qua não, gồm có hormone oxytocin (thúc đẩy cảm xúc tình yêu), dopamine (kích thích niềm vui, sự hứng thú), vasopressin (hóa chất chung thủy) và adrenaline (hóa chất tình yêu khiến tim đập nhanh).
Bởi vậy, các nhà khoa học chỉ ra tình yêu cũng giống như thuốc phiện và nó tồn tại biến hóa dưới nhiều hình thức. Tình yêu kích hoạt những vùng não giúp ta có động lực để vượt qua nhiều khó khăn cũng như giảm thiểu hoạt động vùng não liên quan tới sự đau khổ, sợ hãi, lo lắng.
Nhà nghiên cứu đi tới kết luận: “Các kết quả cho thấy, tình yêu không đơn thuần chỉ là cảm xúc. Tình yêu là một hàm số bao gồm sự đánh giá đối phương, thúc đẩy hướng tới mục tiêu, sự đền đáp, đại diện bản thân và hình ảnh cơ thể. Bởi vậy, với những kiểu tình yêu khác nhau, hệ thống não bộ sẽ “ra lệnh” tiến hành một loạt các cơ chế cơ bản và phức tạp khác nhau”.
2. Nhận diện “người ấy” qua nụ hôn: hôn tốt hơn quan hệ tình dục
Nghiên cứu về nụ hôn đã tìm ra được rằng, bên cạnh sự quyến rũ, nụ hôn còn giúp ta chọn được đúng "người yêu" và duy trì mối quan hệ.
Trong một cuộc khảo sát, cả hai phái đều cho rằng, nụ hôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc “xem xét” người yêu mới. Các nhà nghiên cứu chứng minh được mối liên quan giữa số lần hôn nhau và “chất lượng” tình yêu.
Trong khi đó, số lần quan hệ tình dục nhiều không đảm bảo rằng, cặp đôi sẽ cảm thấy hài lòng về mối quan hệ của họ bằng những nụ hôn dài, nồng nhiệt. Phát hiện này đã mở ra một hướng đi mới cho các nhà nghiên cứu khi tin rằng, nụ hôn có thể giúp con người đánh giá các gene tiềm tàng của đối phương.
3. Yêu xa giúp củng cố hay phá vỡ tình cảm
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, những cặp đôi yêu xa đôi khi sở hữu một tình yêu ổn định và lâu bền hơn những cặp đôi yêu gần. Bởi lẽ, các chuyên gia cho rằng, những cặp đôi này thường có nhiều sự tin tưởng, chia sẻ trong tình yêu cũng như có cái nhìn lý tưởng hóa hơn về đối phương. Kết quả này được công bố sau khi các nhà nghiên cứu tiến hành thử nghiệm với 67 cặp đôi yêu xa.
Một nhà nghiên cứu giải thích rằng: “Nhiều người thường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ở cạnh nhau và phải thường xuyên gặp mặt mới có thể giữ vững mối quan hệ, tuy nhiên, yêu xa đã cho thấy nhận định này không phải lúc nào cũng đúng.
Chúng ta không nên quá bi quan về tình yêu và những khoảng cách địa lý. Những cặp đôi yêu xa phải nỗ lực hơn nhiều trong việc truyền đạt cảm xúc, sự thân thiết với đối phương và những nỗ lực của họ đều được đền đáp xứng đáng”.
Các nghiên cứu khác cho thấy rằng, những người yêu xa dù nói chuyện với nhau ít hơn nhưng những gì họ nói đều mang ý nghĩa sâu sắc, bù đắp cho sự hụt hẫng vì không được ở cạnh nhau. Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu cho biết kiểu người nào có thể thích nghi với việc yêu xa. Một số người bẩm sinh đã có những kỹ năng cần thiết để duy trì một mối quan hệ, một số khác lại không có.
4. Sự chỉ trích, khinh miệt liệu có đủ giết chết một mối quan hệ
Sau 40 năm nghiên cứu, giáo sư tâm lý học - John Gottman đã phát hiện ra những hành vi có thể khiến tình cảm đi vào ngõ cụt - đó là sự chỉ trích, khinh thường và những khoảng cách.
Theo đó, ông cho rằng, sự phàn nàn xuất hiện với tần suất cao ở những cặp đôi mới yêu (mới cưới). Bạn thường chỉ trích đối phương nhưng không có nghĩa nó góp phần xây dựng tình cảm mà đôi khi khiến người còn lại cảm thấy tổn thương, cảm xúc "xuống dốc" nặng nề. Điều này không sớm thì muộn cũng sẽ khiến chuyện tình cảm rạn nứt.
Tuy nhiên, sự chỉ trích vẫn được xếp dưới mức độ khinh thường. John Gottman cho biết, khi một người tỏ thái độ khinh thường người kia - đó là dấu hiệu chắc chắn cho một cuộc hôn nhân tan vỡ. Dù thể hiện ở lời nói hay hành động thì nó cũng khiến cho đối phương cảm thấy bị xúc phạm.
Và những khoảng cách được coi là hệ quả của hai hành động trên. Khi một người tạo nên bức tường ngăn cách với người còn lại, hẳn đối phương sẽ cảm thấy chán nản, không muốn cố gắng. Chính sự thiếu hụt đối thoại, chỉ trích nặng nề cùng thái độ coi thường sẽ đặt dấu chấm cho mọi mối quan hệ.