Sự tồn tại của con người sẽ rơi vào thế ngàn cân treo sợi tóc nếu một trong 4 siêu núi lửa trên địa cầu thức giấc.
Siêu núi lửa Toba
Nằm bên dưới hồ nước rộng lớn cùng tên trên đảo Sumatra, Indonesia, Toba là hồ núi lửa lớn nhất thế giới với chiều dài 100km, chiều rộng 30km và nơi sâu nhất đạt 505m. Mặt hồ yên ả che giấu “con quái vật” vô cùng dữ tợn, từng đẩy nhân loại tới bờ vực tuyệt chủng trong lần phun trào cách đây 69.000 tới 77.000 năm trước.
Miệng siêu núi lửa Toba. (Ảnh: Wikipedia)
Các nhà khoa học tin rằng, lần thức giấc gần nhất của Toba là vụ phun trào mạnh nhất trong 25 triệu năm qua. Một số nhà nhân chủng - khảo cổ mô tả, núi lửa Toba thức giấc gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, giết chết phần lớn loài người đang sống ở thời điểm bấy giờ tại các “cổ chai dân số” ở khu vực Ấn Độ, phía đông và trung tâm của châu Phi. Nó cũng gây tác động tới gene di truyền của con người ngày nay.
Tuy nhiên, rất nhiều nhà nghiên cứu phản bác giả thuyết này do họ không tìm thấy bằng chứng về sự suy tàn hay tuyệt chủng của loài động vật nào khác. Dẫu vậy, phần lớn các nhà khoa học đều tin rằng, vụ phun trào núi lửa Toba khiến nhiệt độ toàn cầu giảm 3-5 độ C. Thậm chí, nhiều khu vực còn giảm tới 15 độ C.
Tro bụi từ vụ phun trào của núi lửa Toba bao phủ không trung, khiến địa cầu trải qua mùa đông dài tới 6 năm. Tình trạng băng giá tiếp tục kéo dài trong một thiên niên kỷ tiếp theo, khiến nhân loại gần như tuyệt chủng. Một số nhà khoa học nhận định, môi trường sống khắc nghiệt đột ngột buộc con người phải thông minh và khéo léo hơn để tồn tại.
Siêu núi lửa Yellowstone
Siêu núi lửa Yellowstone nằm dưới công viên quốc gia cùng tên thuộc các bang Wyoming, Montana và Idaho của Mỹ. Giống như Toba, “con quái vật” Yellowstone ẩn náu bên dưới hồ nước yên ả. Các nhà nghiên cứu địa chất khẳng định, lượng mắc-ma khổng lồ trong lòng núi lửa đủ khả năng xóa sổ nước Mỹ, đồng thời đẩy nhân loại vào tình thế khốn cùng.
Miệng siêu núi lửa Yellowstone. (Ảnh: Wikipedia)
Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học làm việc tại Đại học Utah, túi mắc-ma của Yellowstone dài 88 km, rộng 48km và sâu 14,4km. Nó lớn gấp 2,5 lần các con số mà giới khoa học ước tính trước đây. Nếu siêu núi lửa đột ngột tỉnh giấc, nó sẽ làm biến đổi khí hậu toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng sự tồn tại của loài người trên trái đất.
Các nhà khoa học cho biết, Yellowstone hoạt động theo chu kỳ 800.000 năm/lần. Nó từng phun trào cách đây 2,1 triệu năm, 1,3 triệu năm và 640.000 năm trước. Trong lần phun trào gần nhất, Yellowstone tạo ra đám mây bụi dày đặc, bao phủ toàn bộ khu vực Bắc Mỹ, làm biến đổi khí hậu toàn cầu.
Siêu núi lửa gần New Zealand
Các nhà địa chất Mỹ vừa phát hiện siêu núi lửa đang hình thành gần New Zealand, có khả năng gây ra đại hồng thủy khi nó thức giấc. Nhà địa chất học Michael Thorne của Đại học Utah cho biết: “Chúng tôi vừa phát hiện những hoạt động địa chất mạnh dưới lòng Thái Bình Dương. Chúng có thể gây nên vụ phun trào dung nham khủng khiếp, phá hủy phần lớn địa cầu”.
Mô phỏng siêu núi lửa dưới đáy Thái Bình Dương gần New Zealand. (Ảnh minh họa: Blogspot)
Theo các chuyên gia đại chất, hai khối đá khổng lồ - mỗi khối có diện tích tương đương một lục địa - đang đâm vào nhau bên dưới Thái Bình Dương. Vị trí chúng tiếp xúc ở độ sâu 2.900km phía bắc New Zealand. Quá trình va chạm hình thành vùng mắc ma khổng lồ. Nếu thoát khỏi lớp vỏ bọc trái đất, lượng mắc-ma này đủ sức gây nên tình trạng tuyệt chủng hàng loạt trên địa cầu.
Nhà địa chất Thorne khẳng định: “Đây là cơ chế phun trào vô cùng lớn. Tuy nhiên, nó chưa thể xảy ra ở thời điểm hiện tại. Nếu cơn ác mộng trở thành hiện thực, mắc-ma cần 100-200 năm nữa để thoát khỏi bề mặt trái đất”.
Siêu núi lửa Tamu Massif
Các nhà địa chất Mỹ vừa phát hiện Tamu Massif - siêu núi lửa lớn nhất hành tinh - trong lòng Thái Bình Dương. Tamu Massif nằm cách Nhật Bản khoảng 1.600km về phía đông. Lần phun trào gần nhất của Tamu Massif cách đây khoảng 144 triệu năm, tạo ra sườn núi cao 3,5km so với đáy biển.
Siêu núi lửa Tamu Massif dưới lòng Thái Bình Dương. (Ảnh: Wikipedia)
Siêu núi lửa Tamu Massif có diện tích khoảng 310.000km2 (gần bằng diện tích đất liền của Việt Nam). Tamu Massif không chỉ là núi lửa lớn nhất hành tinh mà nó còn là núi lửa lớn nhất trong hệ Mặt Trời. Tuy nhiên, người ta chỉ công nhận Tamu Massif là núi lửa đơn lẻ sau nghiên cứu địa chất tổng thể của Đại học Texas A&M.
Dự vào dữ liệu phân tích mẫu đá dưới đáy Thái Bình Dương và kết quả quét địa chấn, các nhà nghiên cứu của đại học Texas A&M khẳng định Tamu Massif là núi lửa đơn lẻ. Tên của nó là những chữ cái đầu tiên trong cụm từ Đại học Texas A&M (Texas A&M university). Dù siêu núi lửa không hoạt động từ 144 triệu năm trước nhưng các nhà khoa học chưa thể khẳng định nó đã yên nghỉ dưới đáy đại dương.