Những virus chết người sống lại. Những con cáo ăn thịt người. Các binh lính không bao giờ ngủ. Đó không phải là phim kinh dị mà là ý tưởng táo bạo của các nhà khoa học thời nay. Tạp chí Popular Science đã liệt kê ra 6 ý tưởng khoa học đáng sợ nhất.
Những ý tưởng khoa học hiện đại đáng sợ nhất
1. Hồi sinh virus chết người
Khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới đã bị chết trong đại dịch cúm ở Tây Ban Nha năm 1918. Trong vòng 1 năm, virus đột nhiên biến dạng, con người được miễn dịch và dịch cúm biến mất. Vào tháng 10/2005, một nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm phòng chống dịch bệnh ở Mỹ đã tái tạo bộ gene của virus từ mô phổi của một nạn nhân năm 1918, được chôn ở Alaska, và làm sống dậy kẻ tử thần thời nào. Và bây giờ, nó đang ở đó, trong phòng thí nghiệm, và vẫn nguy hiểm như ngày nào.
2. Mỗi ngày làm việc 22 giờ
Một loại thuốc mới ra đời có thể giúp người ta tỉnh táo mà không bị tác dụng phụ nào. Trung tâm nghiên cứu Darpa của Bộ Quốc phòng Mỹ đã thử nghiệm loại thuốc CX717 bằng cách cho các binh lính ra mặt trận trong vòng 20 giờ trong 4 ngày liền. Chỉ ngủ 4 tiếng một ngày, những binh lính này vẫn tỉnh táo và sung sức. Trong khi đó, thuốc modafinil giúp cho các thường dân tỉnh táo trong 48 giờ. Và sản phẩm kế tiếp armodafinil, đang chờ để Cục phản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ chấp thuận, còn giúp mọi người tỉnh táo lâu hơn.
"Loại thuốc này có thể hiệu quả trong một khoảng thời gian, nhưng để thay thế giấc ngủ thì không thể", Dinges nói.
3. Lính robot không khoan nhượng
Chính phủ Hàn Quốc và công ty Samsung Techwin vừa tung ra một robot được trang bị vũ khí có thể tự động phát hiện kẻ xâm nhập ở cách xa tới 4 km bằng những camera hồng ngoại với độ phân giải cao. Bất cứ ai không đưa ra đúng mật khẩu để hệ thống nhận giọng nói của robot nhận diện thì sẽ bị coi như kẻ thù và lập tức hứng chịu một tràng đạn cao su cảnh báo, hơi cay hoặc thậm chí đạn thật.
4. Áo giáp bảo vệ trái đất
Kế hoạch mới nhất nhằm chống lại hiện tượng trái đất ấm lên nghe như một cuộc chiến giữa các thiên hà: Tung lên không trung các đám mây gồm những con tàu vũ trụ nhỏ xíu có thể bẻ cong 1,8% ánh sáng mặt trời ra khỏi trái đất. Roger Angel tại Phòng thí nghiệm quan sát vũ trụ ở Arizona đã nghĩ ra sáng kiến trên. Hiện giờ, với sự hỗ trợ tài chính từ Viện các khái niệm tân tiến của NASA, ông đang tạo ra vật liệu bẻ cong ánh sáng. Những cỗ máy nặng chỉ vài gram mà ông tưởng tượng sẽ được bắn lên quỹ đạo L1, đường đi hằng năm của trái đất. Từ vị trí thuận lợi đó, đám mây bao gồm các con tàu tí hon sẽ giúp làm mát lạnh toàn bộ hành tinh.
"Thử tưởng tượng chúng ta làm tăng lượng CO2 lên gấp đôi, gấp 3, gấp 4, nhiệt độ trái đất tăng lên tới hơn 10 độ, và chúng ta vẫn kìm hãm nó. Rồi một ngày một cái gì đó bị hỏng, các con tàu biến mất. Trái đất sẽ bị biến đổi khí hậu đột ngột. Đó sẽ là một cú shock cho toàn bộ hệ thống", chuyên gia khí hậu Richard Alley tại Đại học Pennsylvania nhận định.
5. Loài thú ăn thịt hung dữ bậc nhất
Các nhà khoa học tại Viện di truyền và tế bào học ở Novosibirsk, Nga, đã nhân giống chọn lọc để tạo ra những con cáo xám bạc cực kỳ hung dữ. Sau 36 thế hệ, khoảng 200 con cáo luôn la hét, lao tới vồ đớp khi con người tiến gần tới chuồng của chúng.
Tại sao lại như vậy? Nhà di truyền học quá cố Dmitry Belyaev ban đầu thực hiện thí nghiệm của mình với mục đích an bình hơn là tìm ra những con thuần tính nhất. Từ năm 1959, Belyaev đã bắt đầu phối giống các thế hệ cáo thân thiện, về cơ bản lặp lại quá trình thuần chủng hoá kéo dài 12.000 năm chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Dự án tiếp tục cho thấy bao nhiêu cáo đã trở thành những chú chó ngoan ngoãn dưới bàn tay của con người.
Nhưng đến năm 1970, để khám phá thêm khía cạnh khác của hành vi động vật, chương trình bắt đầu nhân giống những con vật hung dữ. "Có được những con vật ở các thái cực khác nhau, bạn có thể tìm hiểu quá trình phát triển của mỗi tính cách", Sergio Pellis, nhà khoa học tại Đại học Lethbridge, Canada, cho biết.
Tuy nhiên, các con cáo không được đi đâu cả. Chúng sống trong chuồng bằng kim loại tại một trong những thành phố hẻo lánh nhất trên thế giới. Và cho dù có thoát ra ngoài thì chúng cũng không thể sống sót lâu được. Đó chỉ là những con vật tự vệ thái quá, chúng không tấn công mà có thể trốn đi cho đến khi chết đói.
6. Mọc lại chân tay
Động vật lưỡng cư có thể mọc lại các chi. Nhưng động vật có vú thì không. "Đó thực sự là một vấn đề quan trọng", nhà sinh vật học tế bào Ken Muneoka tại Đại học Tulane nói. Nay hai nhóm nhà sinh vật học đã ra tay sửa chữa lại khiếm khuyết của tiến hoá trong một dự án 7,6 triệu USD do Darpa tài trợ. Mục tiêu là tạo ra một mầm gốc nha bào của động vật có vú - mầm tế bào tạo nên một chi lưỡng cư mới. Trong 4 năm, Darpa muốn một ngón chân chuột có thể mọc lại. Và nghiên cứu trên người sẽ là bước tiếp theo.
Nghiên cứu sẽ có thể làm thay đổi cuộc sống của những người cụt tay cụt chân. Các nhà khoa học tin rằng việc trộn lẫn các thành phần tế bào và ngoại bào, có thể là hoóc môn, vitamin A, nguyên bào sợi, và đắp lên chân tay mới bị cụt, có thể khiến nó mọc lại. "Chúng ta có thể tạo ra một con người trong 9 tháng thì một cánh tay hoặc cẳng chân chẳng là vấn đề gì", Badylak tuyên bố.