Có một quan niệm hết sức sai lầm, đó là con người thường chỉ sử dụng được 10% của não bộ. Nhưng thực ra, tất cả các bộ phận của não bộ luôn hoạt động - kể cả trong lúc ngủ. Và vì chúng hoạt động quá nhiều, nên đôi khi còn tạo ra những hiệu ứng kỳ lạ trong tâm lý và khiến chúng ta chịu ảnh hưởng trong vô thức.
Top 7 hiệu ứng kỳ lạ trong tâm lý của con người
Thử đọc danh sách các hiệu ứng kỳ lạ dưới đây xem có thấy quen thuộc không nhé.
1. Hiệu ứng Barnum
Mình sẽ bị đuổi việc hôm nay ư?
Hay còn gọi là hiệu ứng Forer. Đó là một hiệu ứng tâm lý khiến chúng ta tin rằng một thông điệp chung chung nào đó chỉ đúng với mình, dù thực ra ai đọc cũng sẽ cảm thấy như vậy.
Một trong những ví dụ phổ biến nhất của hiện tượng này là khi bạn đi xem bói hoặc xem tử vi cung hoàng đạo. Chúng chỉ đưa ra các thông tin rất chung chung thôi, nhưng bạn luôn cảm thấy nó đúng với mình phải không?
2. Ảo giác lộ liễu
Họ sẽ biết mình đang sợ mất
"Illusion of transparency" - ảo giác minh bạch xảy ra mỗi khi có một cảm xúc gì đó quá mạnh mẽ, bạn sẽ có xu hướng nghĩ rằng ai nhìn vào cũng biết điều đó. Chính ảo giác này góp phần khiến chúng ta cảm thấy thêm căng thẳng khi nói chuyện trước đám đông, vì sợ rằng người khác sẽ biết bạn đang hồi hộp, lo sợ. Dù thực tế thì... chắc cũng chẳng ai để ý đâu.
3. Freudian slips
Bạn đã bao giờ định nói một điều gì đó, nhưng kết quả thứ bạn nói ra lại hoàn toàn khác? Đây là hiện tượng xảy ra khá thường xuyên không chỉ trong giao tiếp hàng ngày, mà còn cả lúc viết nữa.
Hiện tượng này được gọi là Freudian slips - đặt tên theo nhà tâm lý học Sigmund Freud. "Slip" trong tiếng Anh có nghĩa là trượt ngã, ám chỉ việc lưỡi của bạn cũng vô tình vấp ngã vậy.
Theo Freud giải thích, những mảng vô thức trong tâm trí có thể vô tình chuyển thành hành vi thực tế, dù bạn có không định làm điều đó. Ví dụ như một đứa trẻ khi mới đi học có thể vô tình gọi thầy giáo là "Bố" nếu như đột ngột chuyển trạng thái từ việc dành phần lớn thời gian với bố sang ở cả ngày với thầy. Hoặc chuyện gọi nhầm tên... người yêu cũ chẳng hạn, cũng là do hiện tượng này.
4. Hiệu ứng Availability heuristic
Đừng có hòng tôi quay lại bãi biển đó
Hiệu ứng này có thể dịch là "thiên vị lựa chọn sẵn có". Đó là hiệu ứng tâm lý khi não bộ muốn tạo ra con đường ngắn nhất để phân tích một chủ đề, bằng cách đưa ra những ví dụ nhanh gọn nhất.
Chẳng hạn, bạn đọc được một tin tức về một loạt các vụ trộm xe ở một địa điểm, và lập tức cho rằng khu vực của bạn có rất nhiều trộm so với con số thực tế đang xảy ra. Tương tự với vaccine, khi đọc được vài tin tức tiêu cực, bạn sẽ lập tức thiên vị một loại vaccine khác thay vì dựa trên các số liệu thực tế.
5. Hiệu ứng "trí nhớ sai lệch"
Bộ nhớ của chúng ta không đáng tin như bạn tưởng. Nó mong manh, dễ sai lệch rất nhiều. Bởi lẽ, chúng ta không đơn giản chỉ ghi nhớ một sự kiện trong quá khứ, mà thứ bạn nhớ được còn phụ thuộc vào thời điểm và cách thức bạn lưu thông tin đó lại.
Đây là lý do vì sao có sự xuất hiện của những ký ức sai lệch - mảng trí nhớ trông thì có vẻ thật nhưng lại là do chính bạn tưởng tượng ra.
Chẳng hạn, bạn nghĩ rằng mình chưa rửa bát trước khi đi làm, để rồi khi trở về nhà thì thấy hóa ra đã rửa rồi. Đó là một dạng ký ức sai lệch.
6. Hiệu ứng "lý thuyết quá trình mỉa mai"
Không muốn nghĩ nhưng não bảo đừng quên.
Ai trong chúng ta chẳng có những mảng ký ức muốn quên đi đúng không. Nhưng càng muốn bỏ nó ra khỏi đầu, bạn càng nghĩ về nó nhiều hơn. Hiện tượng này được gọi là "Ironic process theory" - lý thuyết quá trình mỉa mai, một hiện tượng cho thấy não bộ quả thực là một trò đùa.
7. Hiệu ứng "sự chú ý dư thừa"
Não bộ sẽ bị lãng phí dung lượng rất nhiều nếu chúng ta làm nhiều việc một lúc
Nhiều người có thể nghĩ mình gặp rắc rối về vấn đề tập trung. Nhưng trong khoa học, đôi khi chỉ đơn giản bạn gặp phải hiện tượng "chú ý dư thừa" - attention residue.
Hiệu ứng này xảy ra khi sự chú ý của bạn dần giảm sút trong một ngày vì cứ liên tục làm hết việc này đến việc khác mà chưa thực sự hoàn tất bất kỳ việc gì. Nó sẽ khiến bạn cảm thấy rất khó để tập trung hoàn toàn vào một vấn đề nào đó mà bạn đang cần.
Nhìn chung, giải pháp cho chuyện này là dồn toàn lực để giải quyết từng việc một, để giúp tâm trí thảnh thơi hơn trong các việc tiếp theo.