Muốn xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh thì trước hết, bạn phải từ bỏ những thói quen có hại cái đã. Dưới đây là 7 thói quen mà rất nhiều người mắc phải, nguy hiểm hơn, họ còn lầm tưởng rằng mình đang ăn uống khoa học nữa.
7 thói quen ăn uống có hại mà nhiều người mắc phải
1. Uống quá nhiều
Đây là thói quen cần phải gạch bỏ đầu tiên, nhưng tiếc thay, nó lại xảy ra với quá nhiều người. Đồ uống có cồn gây ra hiệu ứng kiểu như domino với họ: Sau một ngụm đầu, sự ngon miệng tăng lên. Lượng calorie từ đồ uống kết hợp với việc ăn thả phanh khiến cho cơ thể thừa hàng trăm calories. Tệ hơn, việc này xảy ra thường xuyên bởi sự lầm tưởng rằng đồ uống không gây béo. Tin tốt là một khi nỗ lực cai rượu, cân nặng của bạn sẽ giảm rất nhanh.
2. Ăn thực phẩm "ăn kiêng"
Thực phẩm "ăn kiêng" thực sự là lợi bất cập hại, bởi chúng có chứa vô số phụ gia không mong muốn cùng công thức mà chỉ-có-Chúa-mới-hiểu-được. Hơn nữa, chúng cũng không khiến bạn no bụng hay ngắt được cơn thèm ăn. Rất nhiều bệnh nhân thừa nhận rằng, sau khi ăn một thanh bánh ăn kiêng, họ vẫn thấy đói ngẫu và chỉ nghĩ đến việc được ăn. Hậu quả là tặc lưỡi làm thêm một thìa mứt hay vài mẩu bánh quy nữa... Lượng calories mà họ nạp vào người té ra còn nhiều hơn cả một khẩu phần ăn lành mạnh, ngon miệng (nếu biết cách). Đó là chưa kể một nghiên cứu năm 2010 còn khẳng định, khi ăn thực phẩm tươi thì cơ thể sẽ đốt cháy được lượng calories nhiều gấp rưỡi so với khi ăn thực phẩm chế biến.
3. Ăn quá nhiều thực phẩm lành mạnh
Bạn nghiện các loại thực phẩm "lành mạnh", tốt cho sức khỏe như rau củ, quả bơ, ngũ cốc nguyên hạt. Rất tốt - vấn đề là đôi khi bạn ăn chúng quá nhiều và tưởng rằng "càng nhiều càng tốt". Sự thật là mặc dù thực phẩm tươi, giàu chất xơ kiểu này rất giàu dinh dưỡng và cải thiện chức năng tiêu hóa của bạn, nhưng vượt quá định lượng thì lại không nên chút nào. Mỗi lần ăn, bạn chỉ nên lấy lượng hoa quả tương đương một quả bóng tennis, lượng bột yến mạch bằng nửa quả bóng mà thôi. Còn nếu thêm các loại hạt thì hãy thu nhỏ định lượng xuống còn 1 quả bóng golf.
- Ghi nhận mới về thói quen uống nước trong khi ăn
- Loại bỏ thói quen gây hại cho thận
- Điểm danh mặt lợi và hại của chuyện hay ăn vặt
4. Bỏ bữa
Chắc chắn bạn từng nghe nói đến thói quen xấu này. Việc nhịn ăn quá lâu sẽ gây ra 2 tác dụng phụ ngoài ý muốn: bạn sẽ đốt được ít calories hơn vì không có năng lượng nạp vào cơ thể. Thứ hai, nguy cơ cao là bạn sẽ ăn quá đà vì quá đói vào buổi đêm, thời điểm mà cơ thể gần như không có hoạt động gì nên không thể đốt calories được. Năng lượng dư thừa này sẽ đi thẳng đến các tế bào mỡ của bạn. Nói cách khác, thời điểm vô cùng quan trọng. Các nghiên cứu đã khẳng định, bạn không chỉ phải để tâm đến lượng calories nạp vào mỗi ngày mà cũng cần tính toán thời điểm ăn cho hợp lý nữa. Hãy ăn những bữa no, đủ chất trước khi sắp hoạt động nhiều (sáng, trưa) và những bữa nhỏ vào buổi tối. Không bao giờ được để cơ thể không ăn gì trong quá 5 tiếng đồng hồ.
5. Đếm calories
Việc chăm chăm đếm calories cũng có thể gây ra tác dụng ngược. Nó khiến phụ nữ stress hơn, và hệ quả là hormone cortisol sẽ tăng lên. Đây cũng là hormones gây thèm ăn khét tiếng, nhất là những món ăn béo và nhiều đường. Bụng của bạn sẽ chịu hậu quả đầu tiên. Hơn nữa, đừng tin vào lượng calories được ghi trên đồ ăn đóng gói hay menu của nhà hàng. Chẳng có gì đảm bảo là chúng chính xác cả.
6. Đoạn tuyệt thực phẩm giàu chất béo
Bất chấp lời khuyên ra rả của các bác sĩ dinh dưỡng, bệnh nhân vẫn đánh đồng tất cả các loại thực phẩm giàu chất béo với nhau và tẩy chay chúng đồng loạt. Việc nhiều người chối bỏ quả bơ vì nghĩ nó giàu chất béo, hay không bao giờ trộn dầu olive cùng dấm vào salad là hết sức phổ biến. Họ quên mất rằng, ăn thực phẩm giàu chất béo "lành mạnh" là một chiến lược giảm cân thông minh. Không chỉ làm chậm quá trình lão hóa, chất béo lành mạnh còn rất ngon miệng, nó khiến bạn no lâu hơn, kích thích tiêu hóa, cung cấp lượng chất chống oxy hóa dồi dào.... Lời khuyên đưa ra là hãy đưa chúng (quả bơ, dầu olive, các loại hạt) vào mọi bữa ăn.
7. Ăn uống theo tâm trạng
Thói quen phải ăn gì đó khi cảm thấy buồn chán, căng thẳng, giận dữ hay thậm chí hạnh phúc... có lẽ là trở ngại khó nhất của nhiều người trên hành trình giảm cân. Xã hội nghĩ vậy, thậm chí còn khuyến khích hiện tượng đó nên việc thay đổi là cực khó, nhưng không phải không thể. Kể cả khi các giải pháp giúp xoa dịu cảm xúc khác có hiệu quả chậm hơn 50% thì vẫn tốt hơn là bạn tăng cân.