Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên được người ta gọi là “tình yêu sét đánh”? Thế nhưng cái gì tạo ra tia chớp ban đầu giữa hai kẻ bị sét đánh đến choáng váng kia? Các chuyên gia bảo đấy là cái mùi đặc biệt của cơ thể, tạo ra do các gen của hệ miễn dịch, nói đúng hơn là những ADN.
Theo Tamara Brown, một nhà di truyền học người Croatia làm việc tại Zurich, đoạn ADN gọi là kháng thể bạch cầu của người (human leukocyte antigen, viết tắt là HLA) đóng vai trò chủ chốt trong việc tìm kiếm “tình yêu đích thực” và cái chìa khoá nằm tại “những tín hiệu bí mật” mà người này nhận ra từ mùi cơ thể của người kia.
(Ảnh minh họa: Flickr) |
Thực ra, chất xúc tác cho nghiên cứu của Tamara Brown là “Thí nghiệm về chiếc áo phông” (“T-shirt experiment”), một nghiên cứu tại Thụy Sĩ do Trường ĐH Bern tiến hành từ giữa những năm 1990.
Trong thí nghiệm này, người ta sàng lọc ADN của những sinh viên tình nguyện cả nam lẫn nữ, sau đó đề nghị các cô nữ sinh viên ngửi chiếc áo phông mà những nam sinh viên đã mặc trong hai đêm liền và từ mùi đó, cho điểm về “tính hấp dẫn” của những người đàn ông mà mình đã... ngửi. Rất ít khi kết quả trùng nhau. Nghĩa là mỗi cô đã xác định được người mình yêu hơn cả bằng... mũi.
Có bảng điểm rồi, các nhà khoa học mới phân tích HLA của các “cô gái ngửi”. Thì ra những người đàn ông nào có gen càng khác với các cô, thì các cô cho điểm càng cao. Đến khi tổ chức họ gặp nhau, các nhà khoa học theo dõi qua camera buổi hẹn hò đầu tiên ấy. Kết quả là, nói chung, các cô đều xoắn xuýt với những chàng trai mà mình đã từng cho điểm cao, dù các cô chỉ mới gặp lần đầu và chưa hề biết mặt.
Điều lạ nữa là những cô nào trước khi chấm điểm bằng cách ngửi được cho uống thuốc ngừa thai thì dường như cảm giác về mùi chẳng có tác dụng gì.