Ai là người giàu có nhất lịch sử nhân loại?

Đây là người giàu nhất lịch sử nhân loại, chỉ một lần tiêu tiền của ông ấy đã khiến giá vàng tuột dốc 12 năm

Chắc hẳn bạn sẽ phải ngạc nhiên khi biết được người giàu có nhất lịch sử nhân loại là một người Châu Phi, nơi vẫn luôn bị coi là lục địa khô cằn và nghèo khổ.

Ai là người giàu có nhất trong lịch sử nhân loại? Không, đó không phải là Jeff Bezos hay Bill Gates. Đó cũng không phải là Carnegie, Rockefeller, hay thậm chí là Augustus Caesar - mặc dù vị Hoàng đế La Mã cổ đại của chúng ta cũng đứng ở vị trí thứ hai.

Người giàu hơn Augustus Caesar chính là người giàu có nhất từng sống trên Trái đất. Ông ta giàu đến nỗi khi mà ông ấy tiêu tiền, cả nền kinh tế của Ai Cập thời Trung Cổ lập tức bị lũng đoạn.

Với sự giàu có đến vô nghĩa của mình, người đàn ông này đã ban phát vàng bạc cho tất cả những người nghèo đói khốn cùng mà ông ấy gặp. Thật không may, lòng tốt ấy lại khiến thị trường vàng ở Ai Cập và cả Trung Đông tuột dốc không phanh suốt 12 năm.


Chắc hẳn bạn sẽ phải ngạc nhiên khi biết ai là người giàu có nhất trong lịch sử nhân loại.

Chúng ta đang nói về Mansa Musa, vị vua của Đế chế Mali, người cai trị Tây Phi từ năm 1312 đến khi qua đời vào năm 1337. Trong suốt thời gian trị vì trên ngôi báu, Musa đã tích lũy được một khối tài sản lớn đến mức các nhà sử học cũng không thể hiểu nổi.

Musa I (k. 1280 – k. 1337) là Mansa (nghĩa là "vua của các vua" hay "hoàng đế") thứ 10 của Đế quốc Mali giàu có. Tại thời điểm Mansa Musa lên ngôi, Đế quốc Mali kiểm soát những lãnh thổ trước đây thuộc Đế quốc Ghana và Melle (Mali) và đất đai xung quanh. Musa có rất nhiều tước hiệu, bao gồm: tiểu vương Melle, Chúa các mỏ Wangara, Người chinh phục Ghanata, Futa-Jallon, và cả tá tước hiệu khác.

Lịch sử ghi nhận Mansa Musa là người giàu có nhất mọi thời đại với giá trị tài sản tương đương 400 tỉ USD (quy đổi về giá trị hiện tại), một con số khổng lồ vượt xa tổng tài sản của 3 tỷ phú Bill Gates, Warren Buffett và Amancio Ortega cộng lại.

Dù hơn 700 năm đã trôi qua, nhưng so về mức độ giàu có và tầm ảnh hưởng thì chưa một ai có thể sánh ngang hàng với Mansa Musa.


Cho đến nay vẫn chưa một ai có thể sánh ngang hàng với Mansa Musa.

Mansa Musa xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc, ông là cháu họ của vua Abubakari Keita II và được chỉ định làm người điều hành việc nước trong những lúc nhà vua vắng mặt. Sau đó, ông được kế thừa ngai vàng khi nhà vua Abubakari, người luôn ấp ủ dự định khám phá Đại Tây Dương đích thân dẫn đầu 2000 tàu bè trong cuộc hành trình khám phá đã mãi mãi không quay trở về, chỉ vì ông không tin 199 tàu thuyền do mình điều đi trước đó đã biến mất một cách bí ẩn trong xoáy nước lớn giữa đại dương và chỉ còn duy nhất 1 con tàu đi cuối đoàn quay lại báo tin.

Mansa Musa lên ngôi năm 1312, trong lúc Mali đã là một Đế quốc hùng mạnh và nắm trong tay các tuyến đường thương mại trọng yếu. Thời điểm đó, Mali là nơi cung cấp vàng lớn nhất thế giới, thậm chí một nửa số vàng và muối trên thế giới đều từng phải qua Mali.

Nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của Đế quốc Mali, Mansa Musa đã tiến hành kiểm soát thêm nhiều vùng đất, trong đó có cả Timbuktu và một phần lớn của miền Tây Sudan. Các tuyến hàng thông thương qua sa mạc Sahara khi ấy đều tập trung tại thành phố Timbuktu, trung tâm buôn bán vàng, muối, ngà voi, hạt kola và cả nô lệ. Đây không chỉ là trung tâm kinh tế, văn hóa vô cùng quan trọng ở châu Phi, mà còn là tâm điểm của các quốc gia theo đạo Hồi. Dưới thời cai trị của Mansa Musa, thành phố Timbuktu ngày càng phát triển và trở thành nơi gặp gỡ của các văn nhân, học giả, cùng giới nghệ sĩ của khu vực Trung Đông.

Có rất nhiều học giả, kiến trúc sư hay các nghệ sĩ từ Ả-rập cũng theo chân Mansa Musa hồi hương.


Mansa Musa lên ngôi năm 1312, trong lúc Mali đã là một Đế quốc hùng mạnh và nắm trong tay các tuyến đường thương mại trọng yếu.

Mặc dù chỉ tại vị trong 25 năm, nhưng những thành tựu mà Mansa Musa đã kiến tạo cho kinh tế và văn hóa của Đế quốc Mali luôn là điểm sáng trong lịch sử châu Phi và giúp ông trở thành một vị vua vĩ đại trong lịch sử của châu lục này.

Mansa Musa là một vị vua sùng đạo và luôn tin rằng đạo Hồi chính là cửa ngõ để bước vào thế giới văn hóa của vùng Đông Địa Trung Hải, vì vậy, ông đã ra sức phát triển đạo Hồi trên con đường trở về miền đất Thánh. Chuyến hành hương về Thánh địa Mecca vào năm 1324, hoạt động gây được tiếng vang lớn nhất của ông trong thời gian tại vị.

Chuyến hành hương của Mansa Musa được coi là chuyến đi xa hoa và hoành tráng nhất của một bậc đế vương. Tất cả 60.000 tùy tùng của nhà vua, trong đó có 12.000 nô lệ, 500 sứ giả mặc áo lụa và một hàng dài lạc đà đều phải mang theo vàng thỏi hoặc những chiếc túi chứa đầy vàng để Mansa Musa có thể dễ dàng phân phát cho bất cứ người dân nghèo nào mà ông bắt gặp trên đường đi. Chính điều này đã khiến người ta biết đến ông như là một vị vua rộng lượng và hào phóng. Thậm chí, người dân còn đứng dọc theo các con phố dẫn tới Mecca để chờ đợi sự xuất hiện của Mansa Musa. Có người còn tiết lộ, 12 năm sau khi Mansa Musa hiện diện tại Cairo, hàng triệu người dân nơi đây vẫn còn hát những khúc hát ca ngợi ca vị vua vĩ đại của Đế quốc Mali.


Dù luôn chú trọng phát triển đạo Hồi, nhưng trong chính sách cai trị của mình, Mansa Musa lại thiết lập nên một nền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng.

Trong những lần dừng chân ở thành phố Cairo (Ai Cập) hay Medina (Ả-rập Saudi), Mansa Musa chi tiêu quá nhiều vàng và vô tình phá hoại nền kinh tế của những khu vực đó. Vàng bạc tràn lan trên thị trường khiến giá cả leo thang và lạm phát kéo suốt cả một thập kỷ tiếp đó. Sau đó, để sửa chữa sai lầm của mình, Mansa Musa đã mua lại vàng từ những người cho vay nặng lãi ở Cairo. Đây có lẽ là lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử tính tới thời điểm này, một cá nhân có thể kiểm soát giá cả của vàng bạc trên khắp vùng Địa Trung Hải rộng lớn.

Sau chuyến hành hương đến Mecca, nhà vua Mansa Musa bắt đầu xây dựng nhiều nhà thờ Hồi giáo lớn, cùng các thư viện khổng lồ, cung điện hoàng gia, và những trường học đạo Hồi trên khắp Đế quốc của mình. Dù luôn chú trọng phát triển đạo Hồi, nhưng trong chính sách cai trị của mình, Mansa Musa lại thiết lập nên một nền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng. Một số học giả Hồi giáo đến thăm Mali đã không khỏi bất ngờ khi thấy cách ăn mặc đầy màu sắc của người dân địa phương, thậm chí phụ nữ ở đây cũng không cần phải đeo mạng che mặt. Nền giáo dục dưới thời Mansa Musa được miễn phí hoàn toàn và nhận được rất nhiều chính sách khuyến khích, vị vua giàu có còn thành lập trường đại học danh tiếng Sankore Madsarah. Chính những điều này đã thu hút người dân từ khắp mọi nơi trên thế giới đổ về đây để trau dồi kiến thức.


Mansa Musa vẫn được coi là một trong những người quyền lực nhất trong lịch sử.

Vào thế kỷ 14, tên tuổi của Mansa Musa và Đế quốc Mali đã lan rộng khắp thế giới Ả-rập và thu hút sự chú ý cực lớn của những người vẽ bản đồ ở châu Âu, tới mức trong tấm bản đồ ra đời năm 1375, Mansa Musa xuất hiện ở chính giữa Tây Phi với hình ảnh ngồi trên ngai vàng và cầm một thỏi vàng trên tay như để tượng trưng cho sự giàu có của ông.

Cho đến nay, Mansa Musa vẫn được coi là một trong những người quyền lực nhất trong lịch sử, đồng thời cũng là người giàu có nhất thế giới.

Cập nhật: 22/06/2024 Theo Trí Thức Trẻ/tổ quốc
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video