Albert Einstein: Giã từ nước Đức (kỳ 3)

Những vinh quang thế giới đã dành cho Einstein sau sự xuất hiện của thuyết tương đối. Einstein đi diễn thuyết khoa học khắp nơi, từ Áo, Mỹ, Anh… sang Pháp, Nhật…

Người con trai thứ hai Eduard 9 tuổi của Einstein hỏi: “Tại sao bố lại nổi tiếng như thế, thưa bố?”. Ông cười và trả lời: “Con xem, khi một con bọ bò dọc theo một cành cây cong, nó không biết được rằng cành cây đó cong. Bố có cái may mắn thấy được điều con bọ đã không thấy”.

Bầu trời hòa bình tối dần

Năm 1933, khi Einstein ghé thăm Anh, báo chí Anh đã đón mừng con người có sức thu hút quần chúng này như một biểu tượng. Trong khi năm 1633 tại lục địa, Galileo bị đưa ra trước tòa án dị giáo của nhà thờ vì những kết quả nghiên cứu khoa học của ông không phù hợp với lời dạy của nhà thờ, và đến cuối thế kỷ 17 ở châu Âu vẫn còn các phiên toà xử “phù thủy”, thì nước Anh có được một không khí tự do phóng khoáng cho những ý tưởng mới. Newton năm 1687 có thể phổ biến những khám phá của mình trong tác phẩm Principia mà không phải lo lắng.

Đúng 300 năm sau ngày Galileo bị xử, nước Anh biểu lộ sự ngưỡng mộ cao độ cho một thiên tài thời đại, họ biết vượt qua mọi biên giới của lịch sử, địa lý, của tình cảm thù hằn dân tộc để xem thiên tài ấy như người con yêu quí của chính nước Anh vậy.

Thế nhưng, sự nổi tiếng của Einstein và thuyết tương đối kéo theo một cái bóng lớn đáng sợ của sự chống đối đủ mọi màu sắc. Các tiếng nói thù địch chống ông bắt đầu cất lên. Người ta chống ông vì không hiểu thuyết tương đối, vì vẫn còn bám vào các quan niệm khoa học cũ, vì ganh tị, tị hiềm, vì ông là người gốc Do Thái, hoặc vì tính chất chính trị, ông là người theo chủ nghĩa hòa bình. Giới cầm quyền Đức cho rằng những người theo chủ nghĩa hòa bình chính là con dao đã đâm vào lưng nước Đức khiến Đức thua trận trong Thế chiến thứ nhất.

Nhưng những sự chống báng nghiêm trọng nhất đến từ những ý đồ chính trị, chủng tộc và ý thức hệ tại Đức. Những nhà khoa học đầu đàn đều biết rõ giá trị của Einstein. Nhưng đối với không ít người, sự thành công của Einstein là một thách đố, một cái gai trước mắt họ. Trong khi bầu trời khoa học của nhân loại được khai sáng thì bầu trời hòa bình của nhân loại bị tối dần. Đầu năm 1920, “mây mù” kéo lên thành phố Berlin và nước Đức. Lực lượng phát xít bắt đầu bài xích công khai Einstein một cách có tổ chức. Ngày 24-6, ngoại trưởng Đức Walther Rathenau, một người Đức gốc Do Thái và là bạn thân của Einstein, bị lực lượng cực hữu ám sát, báo trước cho Einstein nguy cơ có thể sắp đến với ông. Ông bỏ đi chu du thế giới một thời gian dài.

Einstein đã sớm được đề cử cho giải Nobel vật lý từ năm 1910, lúc ông 31 tuổi, chỉ năm năm sau “năm thần kỳ”. Thế nhưng mãi đến năm 1921, Ủy ban Nobel mới tuyên bố công nhận giải Nobel cho Einstein. Trớ trêu thay, trước áp lực của dư luận chống đối, Ủy ban giải Nobel ở Oslo chỉ dám phát giải cho Einstein về công trình hiệu ứng quang điện chứ không phải về thuyết tương đối. Giải Nobel cho Einstein làm dịu dư luận phần nào, vì cuối cùng Einstein cũng được giải. Người ta kể rằng khi được hỏi, Einstein đã phát biểu cảm tưởng của mình như sau: “Tôi rất vui mừng vì nhiều lý do, trong đó có lý do vì người ta không còn đặt câu hỏi trách móc cho tôi nữa: Tại sao ông không được giải Nobel?”.


Einstein và các giáo sư Pháp, Anh tham gia biểu tình chống chiến tranh tại Berlin (Ảnh: TTO)

Trước tình hình chủ nghĩa bài Do Thái ngày càng dâng cao, mối nguy cơ của chủ nghĩa phát xít, của một cuộc chiến tranh thế giới mới ngày càng lớn, ông tích cực đấu tranh cho hòa bình. Năm 1926, ông cùng ký tên với Gandhi, Tagore, Barbusse và một số nhân sĩ khác vào một tuyên ngôn chống chiến tranh. Những ngày còn lại của Einstein trên nước Đức chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.

Chấm dứt “thời đại vàng son” của khoa học Đức

Ngày 30-1-1933, Hitler lên nắm quyền, xóa bỏ mọi quyền tự do công dân. May mắn cho Einstein là lúc đó ông và vợ đang còn ở Mỹ. Ngày 16-2, tòa nhà Quốc hội Đức bị cháy. Hitler lấy cớ liền ra tay đàn áp các lực lượng cánh tả và trí thức.

Einstein cùng với một loạt nghệ sĩ và văn sĩ bị báo chí Đức quốc xã tấn công dữ dội. Đầu tháng ba, trước khi xuống tàu từ Mỹ về châu Âu, ông công bố quyết định không trở lại nước Đức nữa.

Ông kêu gọi thế giới văn minh hãy can thiệp bằng dư luận chống lại sự đàn áp của Hitler. Ngày ông xuống tàu cũng là ngày báo chí đưa tin nhà nghỉ mát của ông ở Caputh (Berlin) bị khám xét và tài sản bị tịch thu. Con đường mang tên Einstein ở thành phố Ulm bị đổi tên thành đường Fichte, một nhà triết học quốc gia chủ nghĩa của Đức.

Tháng mười, trong một cuộc phỏng vấn ông đã nói: “Tôi không thể hiểu được sự thụ động mà cả thế giới văn minh phản ứng trước cái dã man hiện đại. Thế giới không thấy Hitler đang nhắm đến chiến tranh hay sao?”.

Vừa đến Antwerpen, ông đã trả lại hộ chiếu và quốc tịch Đức cho cơ quan đại diện Đức. Trước đó, ngày 28-3, ông đã gửi quyết định từ chức đến Viện Hàn lâm Phổ. Đức quốc xã tức tối vì Einstein đã ra tay trước, họ đã âm mưu sẽ loại Einstein ra khỏi viện hàn lâm chính thức.

Ngày 10-5-1933 tại Berlin, 20.000 quyển sách bị đốt, trong đó có sách của Albert Einstein. Đốt sách diễn ra đồng loạt tại 16 đại học khác. Ông ở lại Bỉ và Anh đến tháng mười, để sau đó cùng với vợ quay về Mỹ định cư tại Princeton. Ông cảm thấy trước thảm họa của “đế chế thứ ba” của Đức quốc xã và linh cảm: “Tôi chắc sẽ không bao giờ thấy lại đất nước sinh ra tôi nữa”.

Sự ra đi của Einstein đồng nghĩa với việc nền khoa học của Đức mất đi người lãnh đạo tinh thần, lá cờ biểu tượng cho khoa học. Hơn 1.600 giáo sư và cán bộ giảng dạy bị mất chức. Một cuộc di tản khổng lồ diễn ra, một cuộc chảy máu chất xám khủng khiếp trong lịch sử khoa học Đức.


Einstein đọc bài diễn văn tại Anh (Ảnh: TTO)

Hitler cho truy lùng lý lịch của tất cả các nhà khoa học xem có “thuần chủng” hay không. “Thời đại vàng son” trong khoa học của Đức bị chấm dứt một cách tàn bạo. Gưttingen là đại học hứng chịu những hậu quả nặng nề nhất. Nhiều giáo sư hàng đầu phải ra đi. Không còn ai để giảng bài cho sinh viên trong khoa toán nữa.

Trước khi rời châu Âu để về Mỹ, Einstein ghé lại thăm Anh bốn tuần. Đêm 3-10-1933, hơn một vạn người, trong đó có rất nhiều người tị nạn chính trị từ Đức, đã chen nhau tại tòa nhà hình cung khổng lồ Royal Albert Hall cạnh Hyde Park ở London để nghe Einstein nói chuyện.

Buổi nói chuyện nhằm mục đích lạc quyên cho những nhà khoa học tị nạn Đức quốc xã. Một lực lượng cảnh sát đông bất thường được bố trí tại các con đường dẫn vào địa điểm vì có tin sẽ có âm mưu sát hại Einstein.

Trong phòng lễ, thêm 1.000 sinh viên được bố trí để ngăn chặn ngay mọi sự khiêu khích nếu có. Trên bàn chủ tọa có những người con nổi tiếng nhất của nước Anh trong khoa học. Einstein phát biểu lần đầu tiên bằng tiếng Anh, với giọng Đức của mình, nói một cách tha thiết và cảm động: “Chính trong giai đoạn thiếu thốn kinh tế như chúng ta chứng kiến hiện nay khắp nơi, người ta mới thấy rõ các sức sống của đạo đức - những cái sinh động trong một dân tộc - mạnh mẽ và hiệu quả như thế nào”.

Bài diễn văn của Einstein tại Royal Albert Hall là bài phát biểu chia tay với châu Âu. Ông, vợ Elsa, thư ký Helen Dukas và trợ lý Walther Mayer lên tàu, rời bỏ lục địa châu Âu. Paul Langevin, người bạn thân của Einstein tại Pháp, bình luận: “Giáo hoàng của vật lý” đã chuyển ghế của mình sang Tân thế giới. Princeton là nơi dừng chân cuối cùng trong cuộc đời không tổ quốc của ông. Einstein sống tất cả 19 năm tại Đức (kể từ thời gian về Berlin) và 22 năm còn lại tại Princeton.

NGUYỄN XUÂN XANH biên soạn

--------------------------------
Từ Princeton, Einstein tiếp tục với những phát minh chấn động. Einstein cũng không ngừng dấn thân đấu tranh cho hòa bình thế giới. Oái oăm xảy ra sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật. Một lần nữa, Einstein làm một cuộc “di tản nội tâm” ngay trên nước Mỹ.

Kỳ tới: Giấc mơ “hòa bình vĩnh cửu”
Kỳ 1: Albert Einstein - Đi tìm chân lý
Kỳ 2: Albert Einstein: Lật đổ trật tự cũ

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video