Người phụ nữ duy nhất trong phòng điều khiển phóng tàu ​​Apollo 11

JoAnn Morgan đã góp phần làm nên lịch sử vào năm 1969. Bà tận mắt thấy tàu ​​Apollo 11 cất cánh từ bảng điều khiển tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy.

Mùa xuân năm 1958, Morgan vừa tốt nghiệp trung học ở Florida. Đang muốn tìm một công việc thực tập trong hè, bà thấy thông báo tuyển sinh viên làm tại phòng thí nghiệm của Cơ quan Tên lửa Đạn đạo Quân đội.

Đó là thời điểm Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chưa được thành lập, nhưng Liên Xô vừa phóng Sputnik 1, Mỹ phải tìm cách bắt kịp.


JoAnn Morgan - người phụ nữ duy nhất tham gia vào nhiệm vụ phóng tàu Apollo 11. (Ảnh: Cnet).

Quân đội gấp rút thử nghiệm các hệ thống tên lửa có khả năng đẩy vệ tinh lên quỹ đạo, họ đang thiếu nhân viên. Morgan đã nộp đơn và được nhận vào làm.

"Nó thật tuyệt vời", Morgan nhớ lại cảm giác của mình. "Ngay lúc đó trong máu của tôi chỉ toàn nhiên liệu tên lửa".

Chứng kiến khoảnh khắc lịch sử

Tháng 10/1958, NASA ra đời, tiếp quản dự án phóng tên lửa và Morgan trở thành một trong những nữ nhân viên đầu tiên của cơ quan này.

Trong vòng vài năm, bà tốt nghiệp Đại học Florida với bằng cử nhân chuyên ngành toán học, được NASA chứng nhận là kỹ sư đo lường và thiết bị. Bà bắt đầu làm việc trong chương trình Mercury và Gemini.

Vào ngày 16/7/1969, Morgan được giao nhiệm vụ điều khiển phóng tàu Apollo 11 từ phòng điều khiển đặt tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy. Bà ấy là người phụ nữ duy nhất trong căn phòng đặc biệt này.


Phòng điều khiển phóng Apollo 11, Morgan ngồi ở vị trí đánh dấu mũi tên màu đỏ. (Ảnh: NASA).

Claire Reilly, người dẫn chương trình podcast của Cnet, đã có cuộc trò chuyện với Morgan, tìm hiểu cảm giác của bà khi từ một thực tập sinh trở thành nhà lãnh đạo cấp cao tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy và chứng kiến một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của thế kỷ 20.

"Nhiệm vụ không gian là lĩnh vực công việc khắc nghiệt nhất trên thế giới", bà nói. "Một lần cất cánh là một vụ nổ có kiểm soát. Hạ cánh là một vụ va chạm có kiểm soát. Hàng triệu thứ phải diễn ra hoàn hảo. Đó là lý do các buổi diễn tập đóng vai trò rất quan trọng, chúng tôi nhìn thấy những chỗ có thể sai và sửa chữa chúng".

Người phụ nữ tiên phong trong lĩnh vực vũ trụ

Thái độ thân thiện, gần gũi, giọng nói lảnh lót và nụ cười rạng rỡ, Morgan trao đổi cởi mở với Claire Reilly qua điện thoại từ nhà riêng ở Florida. Khi bắt đầu câu chuyện, hồi ức của bà đã quay trở về thời điểm mới vào nghề, những khó khăn bước đầu phải trải qua và quá trình làm việc hơn 40 năm trong ngành hàng không vũ trụ.

Sinh ngày 4/12/1940 trong gia đình có 4 người con. Bố JoAnn Hardin (tên trước khi lập gia đình của JoAnn Morgan) là phi công phục vụ trong không quân Mỹ. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, ông làm việc cho chương trình phát triển tên lửa của quân đội.

Có lẽ Morgan đã thừa hưởng tình yêu bầu trời từ bố của mình.


JoAnn Morgan (bên phải) tham gia sự kiện Women's History Month tại Trung tâm Không gian Kennedy vào tháng 3/2018. (Ảnh: NASA).

Mặc dù đạt điểm số xuất sắc và đã trải qua kỳ thực tập trong quân đội, người tư vấn chọn ngành đại học vẫn cho rằng Morgan không thể học kỹ thuật vì "không có phụ nữ trong trường kỹ thuật".

Bà hứng chịu những lời bàn tán phân biệt giới tính từ đồng nghiệp, phải đi bộ đến một tòa nhà riêng biệt mỗi khi cần sử dụng phòng tắm, vì không có phòng tắm dành cho nữ tại khu làm việc.

Morgan đã làm việc tại NASA trong hơn 4 thập kỷ, giám sát mọi thứ từ đổ bộ lên Mặt trăng đến sứ mệnh sao Hỏa, cuối cùng trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Kennedy. Với cống hiến của mình, bà 2 lần được NASA trao tặng Huân chương Lãnh đạo Xuất sắc và 4 lần nhận Huy chương Phục vụ Xuất sắc.

Bà nghỉ hưu từ 2003 sau khi trải qua nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt mà hiếm có người phụ nữ nào đạt được trong cơ quan hàng không vũ trụ.

Cuộc trò chuyện giữa Claire Reilly và Morgan là một phần trong loạt podcast mới của Cnet mang tên Making Space: The Female Frontier. Đây là series kể về những người phụ nữ tiên phong tham gia vào các nhiệm vụ không gian.

Cập nhật: 12/09/2020 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video